Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

'Hỏi Nhà nước hỗ trợ gì cho DN tôi sẽ trả lời không biết'

Ông Trần Quốc Khánh cho rằng, sự khác biệt của DN nội với khối FDI là liên tục đặt câu hỏi Nhà nước làm gì hỗ trợ họ khi TPP có hiệu lực, còn DN FDI thì chủ động nắm cơ hội.

Đối thoại với các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM về cơ hội và sức ép khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, Trưởng đoàn đàm phán TPP Trần Quốc Khánh cho rằng, cơ hội không tự thân đến, mà tùy thuộc vào nỗ lực nắm bắt của từng DN.

Cơ hội cũng không thể phân chia đồng đều mà phụ thuộc vào việc có sự chuẩn bị tốt hơn. Theo ông Khánh, dường như các DN FDI có sự chuẩn bị tốt hơn DN trong nước và họ đang tăng tốc nắm bắt cơ hội. Còn nhiều DN Việt vẫn quen với sự yên ổn trong vòng tay vỗ về của Nhà nước mà chưa chịu thay đổi.

'Hỏi Nhà nước hỗ trợ gì cho DN tôi sẽ trả lời không biết'

Theo nhận định, các DN FDI đang có sự đầu tư, nắm bắt cơ hội khi TPP có hiệu lực tốt hơn DN Việt Nam. Ảnh: 

Anh Tuấn.

“Nhiều DN hỏi tôi, làm thế nào để nắm bắt cơ hội trong TPP, tôi trả lời tôi không biết. Bởi họ phải cho tôi thấy họ hoạt động thế nào, họ mạnh ra sao, họ đang làm gì thì tôi mới có thể giúp họ tìm cơ hội. DN không nỗ lực mà chỉ loay hoay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ”, ông Khánh nói.

Trưởng đoàn đàm phán TPP cũng cho rằng, ông mong chờ nhận những thắc mắc của khối DN FDI hỏi về những chính sách, những hỗ trợ của Chính phủ về hiệp định này, nhưng hoàn toàn không có. Ngược lại, ông chỉ nhận được các thông tin họ chuẩn bị nguồn lực để đầu tư, mở rộng sản xuất. Trong khi đó, về phía DN nội, ông nhận rất nhiều câu hỏi về việc Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ họ trong cuộc cạnh tranh này.

“Đây là điểm khác biệt. Tôi khuyên DN nên chủ động nắm cơ hội, bước vào thị trường với tâm thế chấp nhận cạnh tranh một cách chủ động. Rất nhiều DN nói với tôi họ rất yếu. Hơn 90% là DN nhỏ và vừa làm sao cạnh tranh với người khổng lồ. Nhưng tôi xin nói rõ, người khổng lồ có việc riêng của họ, người tí hon sẽ có việc của người tí hon. Không ai có thể ăn hết miếng bánh to thị trường. Người khổng lồ cũng rất cần người tí hon để cùng song hành phát triển”, ông Khánh nói.

Theo VCCI, trước khi TPP được ký kết, đơn vị này có làm khảo sát về mức độ quan tâm của DN với hiệp định. Và điều bất ngờ là có đến 66% DN Việt Nam tự tin, ủng hộ TPP, trong khi khối FDI tỷ lệ ủng hộ chỉ có 23%.

Nhưng trái với sự lạc quan, việc chuẩn bị cho hội nhập lại rất yếu. Theo thống kê, chỉ có 9% DN Việt quan tâm, đóng góp ý kiến, cũng như chuẩn bị các cơ hội tham gia thị trường. Nếu thông qua các hiệp hội thì con số quan tâm cũng chỉ đạt 50%.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó chủ tịch VCCI chi nhánh TP HCM cho biết thêm, khi hỏi hiểu biết của họ về TPP, các DN đều trả lời là biết, nhưng không biết cụ thể như thế nào. Riêng khảo sát về kiến nghị, mong muốn, có 66% DN nội quan tâm, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ; 57% mong muốn có cơ quan đầu mối  để thông tin, hướng dẫn đầy đủ về các nội dung, chính sách của TPP. Ngoài ra, số DN cho biết không quan tâm đến TPP cũng chiếm tỷ lệ lớn.  

Con số này cũng được ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội nhựa chia sẻ. Theo ông Việt Anh, nếu 10 thành viên hiệp hội ngồi lại với nhau thì có 6 người không biết, không quan tâm đến TPP; 4 người có biết nhưng cũng biết lơ mơ. Bởi vì vậy mà việc chuẩn bị để nắm bắt cơ hội khi hiệp định này có hiệu lực với DN ngành nhựa chưa thể hiện rõ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét