Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Tan cửa nát nhà vì bán hàng đa cấp: Biết nhưng khó xử lý?

Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động lừa đảo của các tổ chức bán hàng đa cấp, nhiều nhà quản lý cho rằng rất khó xử lý do thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức này.

Tan cửa nát nhà vì bán hàng đa cấp: Biết nhưng khó xử lý?

Các nhà đầu tư đến Công ty TNHH sản xuất thương mại Kim Mỹ (quận Tân Bình) tối 7/12/2015 đòi lại tiền vốn đã góp. Đây là một trong những công ty huy động vốn theo hình thức đa cấp.

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương có gửi cho chúng tôi một tập hồ sơ về việc cho phép bán hàng đa cấp, kèm theo đó là danh mục các sản phẩm, giá bán được đóng dấu đỏ giáp lai.

Dù cơ quan này không công nhận đã “xác nhận giá” nhưng đọc vào ai cũng hiểu là giá đó đã được Cục Quản lý cạnh tranh xác nhận

Trong khi các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động lừa đảo của các tổ chức bán hàng đa cấp, nhiều nhà quản lý cho rằng rất khó xử lý do thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức này tinh vi và... vướng luật.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến của cơ quan quản lý và các chuyên gia:

Ông Võ Xuân Sơn (phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum):

Nhiều kẽ hở

Điểm bất cập nhất là giá các mặt hàng được các tổ chức đa cấp đưa ra rất cao, nhưng cơ quan chức năng không thể kiểm định được giá trị thật bởi là hàng “độc quyền do các công ty đa cấp tự sản xuất hoặc lấy ở nguồn không xác định nào đó. Đặc biệt, các mặt hàng này cũng đã được Cục Quản lý cạnh tranh cho phép bán nên không có cơ sở để xử lý.

Chúng tôi đã có văn bản báo cáo về việc giá các mặt hàng quá cao và đề nghị xem xét, nhưng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết không xác nhận giá mà chỉ cho phép công ty đa cấp bán hàng, kèm theo là các mặt hàng, giá bán, còn giá bao nhiêu là tự công ty đa cấp kê ra! Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra và xét hỏi tại sao lại bán giá cao như thế, các công ty đa cấp chìa ra tập hồ sơ có con dấu, mặt hàng được Cục Quản lý cạnh tranh đóng dấu.

Do đó, dù đã tăng cường giám sát, xử lý các đơn vị bán hàng đa cấp có sai phạm, nhưng các cơ quan chức năng trên địa bàn chỉ có thể xử phạt hành chính các sai phạm nhỏ như tổ chức hội thảo không thông báo, lôi kéo dụ dỗ người tham gia...

Mức phạt cho hành vi này chẳng bao nhiêu nên không đủ sức răn đe. Trong khi đó, người dân bị dụ dỗ, lừa mua và chịu thiệt hại nhưng sợ xấu hổ nên không trình báo cơ quan chức năng, vì vậy không có căn cứ để xử lý.

Ông Lê Tuấn  (chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum):

Cấm không được, bắt cũng không xong

Theo thống kê, hiện có hơn 4.000 người dân Kon Tum tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó nhiều người mất tiền, mất của. Các cơ quan chức năng đã nắm sự việc nhưng khó xử lý vì vướng nhiều quy định của pháp luật. Hiện cơ quan quản lý thị trường chỉ có thể kiểm tra nguồn hàng, giấy tờ hóa đơn hàng đa cấp.

Tuy nhiên hầu hết các đơn vị bán hàng đa cấp đều có giấy “thông hành” từ các cơ quan cấp trên nên việc xử lý vô cùng khó. Cấm không cấm được, bắt cũng không bắt được nên chúng tôi chỉ còn cách tuyên truyền, nói rõ cho người dân biết để không tham gia thôi nhưng cũng không hiệu quả.

Luật sư Võ Đan Mạch (Công ty luật Ta Pha):

Chưa chế tài các cá nhân tham gia

Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia đều tồn tại mô hình bán hàng đa cấp và ở giai đoạn đầu cũng có xảy ra hiện tượng lừa đảo. Tuy nhiên, pháp luật và cơ chế thực thi ở các nước đó rất nghiêm ngặt nên họ đã dẹp bỏ và đi vào ổn định đúng bản chất nhờ ban hành luật kinh doanh đa cấp.

Ở VN, tuy hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhưng vấn đề thực thi còn kém hiệu quả, chưa nghiêm và sâu sát nên các hành vi vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra. Truy cứu trách nhiệm hay xử phạt đối với cá nhân là không khả thi nên không đủ sức răn đe.

VN hiện nay có khoảng 65 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với gần 1,4 triệu người tham gia. Pháp luật xử lý được doanh nghiệp nhưng còn hơn 1,4 triệu cá nhân đó chưa có chế tài hữu hiệu và khả thi. Mà bản thân những người tham gia đó mới là những chủ thể trực tiếp gây ra sai phạm khiến ngành bán hàng đa cấp xấu đi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức Cục Quản lý cạnh tranh cho biết theo quy định, doanh nghiệp phải đăng ký những mặt hàng cũng như giá bán ra và được cơ quan này đóng dấu vào danh mục đăng ký.

Đây là cơ sở để kiểm tra doanh nghiệp có bán đúng các mặt hàng đã đăng ký không, chứ không phải là bản đăng ký giá. Do đó, không thể coi bản danh mục có dấu là cơ sở để nói Cục Quản lý cạnh tranh đã cho phép bán giá đó.

                                                                                                    C.V.KÌNH


Theo Thái Bá Dũng-Như Bình/Tuổi Trẻ

Cục thuế Đà Nẵng công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh

Người dân và du khách đến Đà Nẵng có thể phản ánh qua đường dây nóng (0511 1022) về việc các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không cung cấp hóa đơn sau khi giao dịch.

Ngày 1/3, Cục Thuế TP Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Thông tin dịch vụ công đưa vào vận hành đường dây nóng (0511.1022) để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, du khách về việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ không cung cấp hóa đơn sau khi giao dịch.

Tổng đài 1022 là kênh tiếp nhận thông tin của người dân và du khách, sau đó sẽ chuyển về 2 số điện thoại đường dây nóng của Cục Thuế Đà Nẵng là 0511. 3889.994 và 0511.3889.995.

Cục thuế Đà Nẵng công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh

Khi mua hàng, nếu không nhận được hóa đơn của doanh nghiệp, người dân có thể phản ánh với lãnh đạo Cục Thuế Đà Nẵng qua đường dây nóng.

Lãnh đạo Cục Thuế TP Đà Nẵng cho hay, khi tiếp nhận thông tin phản ánh, người phụ trách đường dây nóng sẽ có trách nhiệm sàng lọc thông tin, xác định địa bàn hoạt động của doanh nghiệp rồi chuyển thông tin đó về các chi cục thuế cấp quận/huyện, phòng chức năng liên quan để xem xét, xử lý theo quy định.

Từ ngày 1/3, những doanh nghiệp bán hàng không giao hóa đơn cho người dân và du khách sẽ bị xử lý theo quy định.


Cổ phiếu bầu Đức bốc hơi, người trong cuộc nghĩ gì?

Các nhà đầu tư kỹ thuật nhìn thấy nhiều chỉ dấu rời khỏi thị trường, khi mốc margin liên tục bị phá, lực cầu cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai yếu, rơi xuống các mức giá thấp kỷ lục.

Từng nắm giữ khá nhiều cổ phiếu của các công ty bầu Đức, anh Nguyễn Xuân Kim, Cầu Giấy, Hà Nội chỉ cười khi được hỏi về cảm nhận khi món đầu tư tích lũy nhiều năm theo giá chứng khoán gần như đã bốc hơi hết.

Vào khoảng năm 2011, khi thị trường bất động sản nhìn chung kém khởi sắc, việc không chịu cắt lỗ cổ phiếu HAG đã khiến anh thiệt hại không ít. Tuy nhiên, so với hiện tại, con số đó chưa thấm vào đâu.

“Khi HNG lên sàn, tôi bán bớt HAG để mua chính cổ phiếu này. Dù biết công ty mẹ - con, có ảnh hưởng thì cả 2 cổ phiếu đều sẽ thiệt hại, nhưng tôi tính toán sẽ nắm HNG khoảng 1 năm rồi bán. Sau khi mua xong, thời gian đầu, theo đúng phân tích kỹ thuật, cổ phiếu này hầu như không có dấu hiệu xấu nào. Mọi chuyện chỉ vượt quá kiểm soát trong 2 tháng gần đây nhất. Thủng tất cả các mốc”, anh Kim nói.

Cổ phiếu bầu Đức bốc hơi, người trong cuộc nghĩ gì?
Nỗi lo từ khoản vay nợ của HAG đổ vào kinh doanh cao su khiến các nhà đầu tư xa rời dần khỏi cổ phiếu của tập đoàn này và các công ty con. Ảnh: Anh Tuấn.

Giống như nhiều nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật khác, anh Kim đã sớm nhận thấy giá cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã liên tục "thủng" các mốc hỗ trợ. Các mô hình áp dụng đều cho thấy những chỉ dấu cần phải rời khỏi thị trường. Mốc margin bị phá, không còn đòn bẩy khiến lực cầu yếu và giá cổ phiếu không thể bứt tốc.

Trong thời điểm khó khăn này, một số quỹ đầu tư lại điều chỉnh rổ cổ phiếu, thay đổi danh mục đầu tư và loại HAG khỏi danh sách. Từ đây, hiệu ứng dây chuyền khiến các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật rời thị trường, kéo theo cả những người đầu tư theo “sóng”. Bán tháo trở thành xu hướng chung, khiến cổ phiếu HAG và HNG trong những phiên giáp Tết Bính Thân luôn trong tình trạng không còn dư cầu, trong khi dư cung duy trì vài triệu đơn vị.

Lãnh đạo một quỹ đầu tư của Nhật Bản, vốn là cổ đông lâu năm của Hoàng Anh Gia Lai cho biết, nếu nhận định đợt giảm giá và bán tháo cổ phiếu công ty bầu Đức là hệ quả từ việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể chờ đợi thị trường hồi phục, thì mới chỉ là “phần ngọn của vấn đề”.

Gốc rễ là thời gian qua giá các loại hàng hóa đều giảm sâu, trong đó có cả dầu khí, khoáng sản, và đặc biệt là các sản phẩm về nông nghiệp, trong đó có cao su. Đây là thực trạng chung của nền kinh tế thế giới, chứ không chỉ của riêng Việt Nam.

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, trong khi đây là nguồn cầu lớn về cao su thế giới, đặc biệt là với thị trường Việt Nam. Thời điểm HAG quyết định đầu tư, giá cao su là 6.000 – 7.000 USD một tấn, nhưng giờ chỉ còn xấp xỉ 1.000 USD một tấn.

“Trong khi đó, phần lớn tài sản, đặc biệt là nợ của HAG đều để đổ vào cao su. Tổng nợ phải trả của tập đoàn này là 30.722 tỷ đồng, tăng 47,8% so với con số 20.929 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, riêng nợ ngắn hạn đã vượt 13.000 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.600 tỷ đồng.

Cao su giờ bán giá quá thấp, lại không có thị trường nên xác suất lớn là bầu Đức sẽ không thể trả được các khoản nợ để vay trồng cao su. Đây là suy nghĩ chung của nhiều nhà đầu tư, và thực tế thì cũng không có nhiều sai khác, mặc dù còn thiếu những chi tiết cụ thể bổ sung cho lo ngại này”, vị này cho hay.

Ngoài ra, những ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất, kích thích những cuộc chiến tranh tiền tệ khiến các khoản đầu tư ở châu Á phải đối diện với thua lỗ cao. Các quỹ đầu tư nhanh chóng có động thái rút vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Những yếu tố này cộng hưởng vào nhau đã tác động lên các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty có hoạt động kinh doanh tại nhiều quốc gia trong khu vực.

“Các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật sẽ rời khỏi thị trường sớm, sau đó tới các nhà đầu tư theo ‘phong trào’. Cung dồn dập trong khi cầu yếu là lý do khiến giá cổ phiếu của HAG liên tục xuống đáy. Thực ra, tài sản nằm ở đó có nhiều cách để thoát ra, chỉ là lựa chọn ra sao để không quá thiệt hại”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Hai đại gia lỗ hơn 1.000 tỷ trong thương vụ HAGL là ai?

2 nhà đầu tư chiến lược đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua 59 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông nghiệp HAGL (HNG) có nhiều điểm chung đặc biệt.

Xuất khẩu lao động Đài Loan đầu năm khởi sắc

Theo báo cáo từ các doanh nghiệp, 2 tháng đầu năm, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã tiếp nhận 3.963 lao động Việt Nam, chiếm ưu thế nhất trong các thị trường việc làm.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), trong hai tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 15.605 lao động (trong đó có 6.695 lao động nữ), đạt 15,61% kế hoạch năm 2016 và bằng 90,69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, chỉ riêng trong tháng 2, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 6.978 người (3.387 nữ).

Xuất khẩu lao động Đài Loan đầu năm khởi sắc

Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận nhiều lao động nhất với 3.963 người (1.775 nữ), Nhật Bản 2.215 người xếp thứ hai và Malaysia đứng thứ ba với 503 người. Các nước tiếp theo có Ả-rập Xê-út (118), Hàn Quốc (57)... và nhiều thị trường khác.

Mấy năm gần đây, Đài Loan (Trung Quốc) luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Năm 2015, thị trường này cũng chính thức tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam làm việc tại hai nghề hộ công gia đình (chăm sóc người già, người bệnh tại nhà) và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ. Số lao động Việt xuất khẩu sang Đài Loan năm 2015 là 67.000 người. 

Dù vậy, thị trường này cũng có nhiều biến động trong năm qua khi kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, nhà máy không nhận thêm người hoặc thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm. Một số lao động Việt đã phải chuyển chủ hoặc về nước trước thời hạn.

Hơn 40 công ty xuất khẩu lao động đi Đài Loan đã bị xử phạt hành chính và tạm dừng hoạt động. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian đào đạo nhằm chấn chỉnh việc doanh nghiệp thu phí của người dân đi sai quy định, giữ lương và khấu trừ tiền ăn, ở từ lương. 

Xuất khẩu lao động: Nhức nhối nạn lừa đảo và bỏ trốn

Năm 2015, lao động bỏ trốn vẫn ở mức cao, tình trạng thu phí cao và lừa đảo người lao động vẫn xảy ra, đòi hỏi những giải pháp lâu dài, bài bản.


Ai đang là 'vua' tiền mặt?

Các doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn luôn có nhiều lợi thế. Nắm giữ cổ phiếu ở những công ty này, nhà đầu tư cũng yên tâm và tin tưởng hơn.

Trên thị trường chứng khoán có không ít doanh nghiệp nắm trong tay hàng ngàn tỉ đồng tiền mặt. Sự giàu có này tạo lợi thế chủ động đặc biệt cho họ trong phục vụ sản xuất, đầu tư, mở rộng kinh doanh cũng như phòng vệ rủi ro. Khi nắm giữ cổ phiếu ở một doanh nghiệp có nhiều tiền mặt, nhà đầu tư cũng yên tâm và tin tưởng hơn về khả năng hoạt động ổn định, chi trả cổ tức, mua lại cổ phiếu quỹ.

Tuy nhiên, theo phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), “việc xem xét nguồn tiền từ đâu đến, nghĩa vụ thanh toán nợ của doanh nghiệp cũng như kế hoạch sử dụng lượng tiền mặt này trong tương lai như thế nào... mới cần thiết trong quyết định đầu tư”.

Ai đang là 'vua' tiền mặt?

Ảnh minh họa.

Ai đang giữ tiền khủng?

Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê từ các sở giao dịch chứng khoán, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã nộp báo cáo tài chính quý IV/2015. Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp đã cơ bản hiện ra.

Năm 2015, bỏ qua các công ty hoạt động trong ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, danh sách “ông vua tiền mặt” vẫn thuộc về những gương mặt thân quen. Đó là PV Gas (GAS), Vingroup (VIC), Vinamilk (VNM), Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Masan (MSN), Đạm Phú Mỹ (DPM), Kinh Đô (nay là Kido - KDC), FPT, PVDrilling (PVD), Hòa Phát (HPG), REE...

Trong khoảng 30 công ty nắm giữ hàng ngàn tỉ đồng tiền mặt, các doanh nghiệp thuộc họ dầu khí đã chiếm gần 30%. Đây là đặc điểm từng được nhìn thấy ở các năm trước. PV Gas hiện là doanh nghiệp có tiền mặt khủng nhất. Nguồn tiền qua các quý của PV Gas luôn duy trì trong mức 17.000-20.000 tỷ đồng.  Đó là chưa kể số tiền hơn 6.038 tỷ đồng mà PV Gas đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, dưới các hình thức như gửi ngân hàng có kỳ hạn, các khoản cho vay thu lãi định kỳ.

Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành khác, Vingroup là cái tên vượt trội. Đến ngày 31/12/2015, riêng tiền mặt của VIC đã là hơn 7.600 tỷ đồng. Nếu cộng với lượng tiền đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, nguồn tiền của Vingroup đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Đó là vì Tập đoàn đã gia tăng 2,5 lần lượng tiền cho khoản đầu tư này. Diễn biến trên cũng đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp.

Chẳng hạn, PV Gas, PVS, Đạm Phú Mỹ, FPT, REE, Vinamilk, KDC... đều đẩy mạnh đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Đây được xem như cách thức sinh lời tạm thời trong lúc chờ đợi những cơ hội đầu tư tốt hơn.Cùng thuộc nhóm doanh nghiệp dầu khí có lượng tiền ngất ngưởng phải kể đến PVS. Theo báo cáo tài chính mới nhất, cuối năm 2015, PVS có hơn 8.118 tỷ đồng tiền mặt và 450 tỷ đồng từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Hay Đạm Phú Mỹ, PVDrilling cũng là những doanh nghiệp có lượng tiền mặt rất cao.

Không kém cạnh Vingroup là Masan. Đến cuối năm 2015, tiền trong túi của tập đoàn này còn hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến trường hợp ở CotecCons. Mặc dù CotecCons xếp hạng không cao trong nhóm các “ông vua” tiền mặt, nhưng đây lại là doanh nghiệp có tốc độ tăng tiền mặt cao đáng chú ý trên sàn chứng khoán. Cụ thể, tiền và tương đương tiền trong kỳ của CotecCons đạt hơn 970 tỷ đồng, trong khi năm trước đó bị âm. Đây đều là nguồn tiền đến từ kinh doanh.

Nhìn vào chi tiết báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các doanh nghiệp có nguồn tiền dồi dào, có thể thấy, không nhiều đơn vị được như CotecCons. Chẳng hạn, trừ PVTrans, hầu hết các doanh nghiệp nhóm dầu khí đều có lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm. Nếu không bị âm thì cũng là suy giảm, như trường hợp của PVDrilling, Đạm Phú Mỹ. Vì thế, dòng tiền của các doanh nghiệp dầu khí tuy vẫn ở mức cao nhưng đã có sự sa sút so với năm trước đó.

Với những đơn vị thuộc ngành khác, tình trạng cũng tương tự. Chỉ một số công ty như Masan, REE, Hòa Phát, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC)... là có dòng tiền trong kỳ tăng.

Những trạng thái của tiền

Thực tế, khi xem xét đến nguồn gốc và trạng thái dòng tiền, nhà đầu tư sẽ nhận thêm được nhiều thông tin giá trị hơn. Đơn cử, nếu dòng tiền đến từ nguồn thu đột biến, như Đạm Phú Mỹ từng có khoản thu đột biến 1.663,6 tỷ đồng trong năm 2014 từ cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác thì ở năm tiếp theo, sự suy giảm nguồn tiền là khó tránh khỏi.

Nếu nguồn tiền trong kỳ tăng nhưng lại chỉ đến từ hoạt động tài chính như ở PLC, tiền này thường đi kèm với những nỗi lo mới về trả nợ, trả lãi. Chẳng hạn, đến hết năm 2015, dù PLC vẫn còn giữ hơn 1.300 tỷ đồng tiền mặt nhưng do tiền này đến từ nguồn thu đi vay hơn 5.800 tỷ đồng, nên tiền dành cho chi trả nợ gốc, tiền lãi vay của PLC trong năm 2015 đều tăng mạnh.

Đó là lý do mà các chuyên viên phân tích cho rằng cần “soi” thêm nguồn tiền từ đâu tới để xác định tính ổn định của dòng tiền. Ngoài ra, niềm vui sẽ khó trọn vẹn nếu các công ty vướng nợ nần nhiều. Đó là trường hợp của Masan, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup. Mặc dù đánh giá vay nợ ở các đơn vị này cần xét thêm tương quan ngành nghề, khả năng phát hành thêm hoặc chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu cùng các chiến lược và hướng đi cụ thể, nhưng cứ nhìn những con số vay nợ ngắn hạn, dài hạn hơn 30.000 tỉ đồng, giới đầu tư ít nhiều cảm thấy e dè. Năm qua, riêng tiền lãi đã trả của Masan là gần 2.700 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.

Ai đang là 'vua' tiền mặt?

FPT dự kiến sẽ đổ vốn vào các mảng như xuất khẩu phần mềm, viễn thông, bán lẻ...

Ở chiều ngược lại, tuy Vinamilk, FPT không tích lũy và làm dày thêm lượng tiền trong năm nhưng nhà đầu tư vẫn lạc quan. Bởi các công ty này dùng tiền cho những chiến lược đầu tư vì mục tiêu phát triển dài hạn. Chẳng hạn, tiền chi cho đầu tư ở FPT trong năm 2015 đã gần 3.000 tỉ đồng, gấp đôi năm 2014.

Theo thông tin từ FPT, năm qua, công ty này đã có sự đầu tư mạnh cho hoạt động kinh doanh. Đó là đẩy mạnh hoạt động quang hóa hạ tầng viễn thông và phủ sóng dịch vụ truyền hình trong nước, mở 2 trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin ở Philippines và Myanmar, phát triển công nghệ trong và ngoài Tập đoàn, ra mắt Quỹ FPT Ventures, cán mốc 250 cửa hàng ở mảng bán lẻ, thành lập Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) hay mở đại học trực tuyến.

Kết quả là doanh thu lợi nhuận năm 2015 của FPT đều vượt kế hoạch và kinh doanh ở nhiều mảng của FPT phát triển mạnh. Trong đó, viễn thông, xuất khẩu phần mềm, bán lẻ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, lần lượt tăng 31,8%, 40% và 50% so với cùng kỳ. Đặc biệt, dù mới xuất hiện 1 năm, dịch vụ truyền hình IPTV của FPT tiếp tục tăng trưởng mạnh với 280 thuê bao, chiếm 2% thị phần.

Những công ty nhiều tiền còn là các doanh nghiệp tích cực trong các hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Theo lộ trình phát triển, Vinamilk đặt mục tiêu cán mốc doanh thu 3 tỷ USD và nằm vào tốp 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Để đạt đến đích này, Công ty dồn vốn cho các dự án đầu tư ra nước ngoài nhằm gia tăng năng lực cung cấp. Cụ thể, Vinamilk đã triển khai một số khoản đầu tư như đầu tư 19,3% cổ phần công ty sữa tại New Zealand, thâu tóm 70% cổ phần công ty sữa Driftwood Dairy ở Mỹ, mở doanh nghiệp mới tại Ba Lan.

Mới đây, Vinamilk bày tỏ ý định đón đầu cơ hội ở thị trường Nga thông qua khả năng thành lập văn phòng đại diện tại đây. Mặc dù Vinamilk chưa có ký kết hợp đồng thương mại nào ở Nga tính đến thời điểm hiện tại, nhưng Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng Nga là một thị trường tiềm năng với quy mô thị trường ở mức 17 tỷ USD năm 2015, theo báo cáo của Euromonitor.

Ai đang là 'vua' tiền mặt?

Năm 2015, Vinamilk dành hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng gấp rưỡi so với năm trước đó

Với lượng tiền mặt dồi dào, Vinamilk cũng như PV Gas, KDC, REE, Masan... đã thuận lợi khi triển khai M&A. Ngoài ra, tiền nhiều cũng đã giúp các công ty dễ bề chuyển hướng trước những trở ngại trong mảng kinh doanh chính. REE là một ví dụ. Khi lĩnh vực điện lạnh sa sút, REE tham gia phát triển bất động sản và hiện quản lý hơn 100.000 m2 văn phòng cho thuê tại TP.HCM. REE cũng đã chi ra hơn 4.000 tỉ đồng trong 5 năm qua để nắm giữ cổ phần lớn hoặc chi phối tại các công ty trong lĩnh vực hạ tầng như thủy điện, nước. Các mảng mới đã trở thành nguồn thu chính, đóng góp 70-80% lợi nhuận hằng năm cho REE.

Tiền mặt nhiều còn được xem là khoản đảm bảo cho doanh nghiệp trong những tình huống khó khăn. Năm qua, dù chịu biến động tiêu cực từ giá dầu và kinh doanh suy giảm, PV Gas vẫn có trong tay hơn 1.000 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay, trong khi chi phí lãi vay của PV Gas chưa tới 200 tỉ đồng. Nghĩa là dù không làm gì mà chỉ gửi tiền ở ngân hàng, PV Gas vẫn sống khỏe.

Những doanh nghiệp nhiều tiền cũng hào phóng trong chi trả cổ tức. Năm 2015, cả FPT và Vinamilk đều gia tăng nguồn tiền cho chi trả cổ tức. Trong đó, Vinamilk dành hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng gấp rưỡi so với năm trước đó. Tuy nhiên, ấn tượng nhất phải kể đến KDC. Với gần 8.000 tỷ đồng thu được từ bán mảng bánh kẹo, KDC đã chi khoảng 4.900 tỷ đồng để trả cổ tức và 1.300 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu quỹ.

Năm 2016 và các năm tiếp theo, những công ty nhiều tiền như Vinamilk, FPT sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư để duy trì tăng trưởng. FPT dự kiến sẽ đổ vốn vào các mảng như xuất khẩu phần mềm, viễn thông, bán lẻ... Ngoài ra, FPT có thể sẽ mở rộng khách hàng sang các công ty thương mại điện tử và đầu tư vào chuỗi bảo hành điện thoại như một cách khắc phục khó khăn từ mảng phân phối.

Với PV Gas, việc hoàn thành đấu nối Thiên Ưng vào dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1, đưa vào vận hành dự án cấp bù khí ẩm Nam Côn Sơn cho GPP Dinh Cố, chuẩn bị và thực hiện đầu tư các dự án GPP Cà Mau, Nhà máy sản xuất Polypropylene, lô B - Ô Môn, Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2, Sư Tử Trắng, Cá Rồng Đỏ... là những cơ sở để công ty này xoay chuyển tình hình theo hướng khả quan hơn.

Rõ ràng, việc có nhiều tiền đã giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong các quyết định, chớp lấy thời cơ, giành lợi thế trên thị trường. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế dự báo sẽ còn nhiều biến động, những cú sốc có thể bất ngờ ập đến, nhiều tiền sẽ giúp doanh nghiệp phòng vệ tốt hơn.

Nhưng tiền mặt nhiều có phải luôn tốt? Cùng với xem xét nguồn gốc tiền, nghĩa vụ trả nợ, các vấn đề chi tiêu thì lịch sử thua lỗ từ đầu tư ngoài ngành tràn lan ở nhiều đơn vị đã minh chứng, doanh nghiệp nhiều tiền thường bị sức ép phải sinh lời tương xứng. Các công ty này dễ bị cám dỗ rót tiền vào những lĩnh vực không phải là thế mạnh, từ đó có thể đưa đến rủi ro, mất mát trong đầu tư. Bởi thế, các công ty nhiều tiền cần thận trọng khi đầu tư, nên được tư vấn kỹ lưỡng và cần người lãnh đạo tỉnh táo, có tầm nhìn xa để biết cách dùng tiền hiệu quả.


Dưa hấu 300 đồng/kg, ai cứu nông dân?

Một trái dưa hấu hiện chỉ được thương lái mua tại vườn với giá khoảng 300 - 1.700 đồng/kg và không ít hộ dân trồng dưa hấu tại Gia Lai phải rớt nước mắt đổ cho trâu, bò ăn.

Đây là chuyện diễn ra nhiều năm nhưng cho đến giờ vẫn chưa có lời giải.

Dưa hấu 300 đồng/kg, ai cứu nông dân?

Người trồng dưa hấu tại tỉnh Gia Lai phải đổ cho trâu, bò ăn vì giá dưa chỉ còn 300 đồng/kg.

Nước mắt nông dân

Nhìn vườn dưa héo úa, nằm thối ngoài đồng, anh Lê Văn Thanh (trú tổ 3, P.Tây Sơn, TX.An Khê) thở dài: “Năm nay lỗ nặng”. Thấy năm trước dưa hấu được mùa, giá cao, anh Thanh thuê 2ha đất tại xã An Trung (huyện Kông Chro) với giá 40 triệu đồng để trồng dưa. Khấp khởi vui mừng khi dưa chưa kịp lớn đã có thương lái đánh tiếng bao trọn khu ruộng. Thế nhưng, cuối vụ giá dưa hấu xuống thê thảm chỉ còn 1.700 đồng/kg, thay vì 5.000-7.000 đồng/kg như niên vụ 2015.

Anh Thanh cắn răng bỏ ra 80 triệu đồng thuê 2 chiếc xe tải lớn chở số dưa lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bán sang Trung Quốc. “Sau khi trả tiền công, tiền chi phí đầu tư, tiền vận chuyển, thuê đất còn lỗ vài chục triệu đồng” - anh Thanh chua chát. Vì dưa không đủ tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Việt (SN 1953, TX.An Khê) phải thuê xe chở đi Kon Tum bán với giá 1.000 đồng/kg. Trừ công chăm sóc của 4 thành viên trong gia đình, ông Việt lỗ hơn 400 triệu đồng.

Theo ông Trần Xuân Khải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Gia Lai), dưa hấu chỉ là cây trồng phụ, không thuộc diện quy hoạch của Gia Lai. Ngoài người dân Gia Lai, nông dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi cũng lên tỉnh Gia Lai thuê đất, trồng dưa hấu theo kiểu tự phát, bất chấp khuyến cáo. Ông Khải cho biết, vì là tự phát nên rủi ro cao vì không có thị trường và giá cả ổn định. Đặc biệt, tâm lý chạy theo phong trào là năm trước “được giá”, năm sau trồng càng nhiều, lúc mất giá thiệt hại càng lớn.

Lý giải thêm cho điều này, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - cho biết: Dưa hấu là giống cây gối vụ, ngắn ngày, bình quân chỉ khoảng 55-60 ngày cho 1 vụ thu hoạch, sản lượng khoảng 35 tấn/ha. Vì dưa hấu cho sản lượng khá lớn, nên nếu trồng với diện tích lớn không theo quy hoạch, số lượng dưa trên thị trường sẽ vượt quá khả năng tiêu thụ. “Theo quy chuẩn, dưa hấu chỉ để 1 quả/cây, nhưng nông dân ta thấy sai quả lại mừng, để tới 2-3 quả/cây nên chất lượng quả kém, mẫu mã xấu, khiến giá bán thấp, khó tiêu thụ” - ông Định chia sẻ.

Chất lượng kém, lại không được chú trọng nhãn mác, bao bì, bán theo kiểu “đổ đồng” cũng là một trong những lý do khiến dưa hấu của Việt Nam phải bán với giá thấp. Thương lái Trung Quốc chỉ chọn những quả đẹp để mua với giá thấp, rồi phân loại, chở sâu vào nội địa bán với giá cao hơn. Những quả dưa hấu bị trả về bị ế ẩm trên thị trường nội địa, khiến người trồng dưa lao đao. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lại phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Điều đáng lo ngại bây giờ là Trung Quốc cũng sang Lào và Campuchia thuê đất trồng dưa, cho trái to hơn, mẫu mã đẹp và hợp yêu cầu thị trường của họ hơn. Nếu người trồng dưa không “tỉnh” sẽ thua lỗ nặng, bởi trồng dưa hấu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha” - ông Định cho biết thêm.

Trong khi đó, nhiều diện tích đất trồng dưa ở khu vực Nam Trung Bộ là đất thuê, người thuê chỉ làm một vụ rồi trả lại chủ đất trồng cây màu khác nên phải tuân thủ thời vụ, luân canh cây trồng, không thể rải vụ được dẫn đến tình trạng trồng quá tập trung vào một thời vụ, diện tích trồng quá lớn, sản lượng cao, thu hoạch tập trung thời gian ngắn nên tiêu thụ sẽ khó khăn.

Tin đồn giết quả dưa

Ngoài việc bị chê khi nhập khẩu vào Trung Quốc, quả dưa Việt Nam còn lao đao bởi những tin đồn thất thiệt. Trước thông tin cho rằng, dưa hấu bị “chê” trên thị trường Việt, bởi có dư luận cho rằng hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, thậm chí có ý kiến cho rằng “cho bò ăn, bò cũng bị đau bụng”, ông Trần Xuân Định khẳng định: “Dưa hấu là cây chủ yếu được bón phân NPK, đạm, lân, kali, nên không có chuyện “độc” như dư luận đồn thổi”.

Dưa hấu 300 đồng/kg, ai cứu nông dân?

Dưa hấu tại Gia Lai rớt giá xuống còn đồng/kg.

Rõ ràng là câu chuyện đã xoay quanh một hướng khác. Sự “đỏng đảnh” của thị trường Trung Quốc, cùng những đồn thổi ác ý đã khiến giá dưa trên ruộng rớt thê thảm, người nông dân gần như thua lỗ. Trong khi đó, trên thị trường dưa hấu vẫn được bán đến tay người tiêu dùng với giá cao chót vót 17.000 - 20.000 đồng/kg.

Như vậy, chỉ khâu trung gian đã “ăn” mất của người nông dân 15.000 đồng, một con số không hề nhỏ. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có giải pháp để gắn kết giữa người sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm, thiếu thông tin thị trường… dẫn đến tình trạng “cung” vượt quá “cầu”, gây bế tắc cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Đã từng có khoảng thời gian trên mạng xã hội người ta hô hào “giải cứu dưa hấu”, tuy nhiên thân phận quả dưa sẽ mãi long đong nếu không có chính sách phù hợp cũng như người dân vẫn còn tin vào những tin đồn ác ý giết dưa hấu Việt Nam.


Sim số đẹp đầu 0888 chỉ dùng cho gói cước trả sau

Những thuê bao đẹp đầu 0888 đã được nhà mạng chọn lọc chỉ bán cho người dùng trả sau, khách muốn sử dụng gói trả trước không thể sở hữu thuê bao đẹp đầu số này.

Ngày 28/2, nguồn tin từ nhà mạng cho biết 1.000 thuê bao đầu 0888 đã có chủ. Khách hàng phải chờ đến ngày 7/3 mới chính thức được sử dụng. Thế nhưng, theo bảng thông báo số thuê bao và giá trên website nhà mạng, hầu hết những sim đẹp là dành cho thuê bao trả sau. 

Đơn cử như số 0888045678, 0888666660, 0888888804 có cước tháng tối thiểu là 3 triệu đồng, thời gian cam kết sử dụng 36 tháng. Khách hàng đăng ký thành công trong ngày đầu tiên sẽ được giảm 50% cước. 

Anh Hòa Đức Chung (TP HCM) cho biết, anh chọn được chiếc sim 0888xxxx69 ưng ý. Song anh buộc phải dùng thuê bao trả sau với chi phí cước là 2 triệu đồng mỗi tháng, trong vòng 18 tháng. Số tiền lên đến 36 triệu đồng để duy trì chiếc sim hơn 1 năm theo anh là quá đắt đỏ. 

Sim số đẹp đầu 0888 chỉ dùng cho gói cước trả sau
Danh sách các số thuê bao VIP đầu 0888 và mức cam kết trả sau. Ảnh chụp màn hình. 

Ngoài việc lựa chọn thuê bao, việc đăng ký sim cũng khiến anh Chung bức xúc. Ngày 28/2, anh Chung canh từng phút để nhập tất cả thông tin trên web đăng ký và ấn gửi đúng 8h5. Thế nhưng, anh chờ hơn một ngày vẫn chưa nhận được email xác nhận của nhà mạng. 

"Khi gọi điện vào tổng đài, nhân viên trực cho biết gọi vào số thuê bao khác để được phục vụ. Thế nhưng, cả 10 lần gọi thì số này đều từ chối, máy bận hoặc không nghe máy", khách hàng này cho hay. 

Không còn cách nào khác, khách hàng này phải lên Fanpage của nhà mạng để than phiền. Song phải đến ngày hôm sau anh mới nhận được phản hồi. Theo đó, đại diện nhà mạng cho biết có thể do trục trặc nhiều thuê bao đăng ký nên muộn nhất ngày 29/2 hệ thống sẽ gửi email xác nhận. 

Song không chỉ anh Chung mà hàng trăm người đã chia sẻ trên Fanpage của nhà mạng này than phiền về tình trạng tương tự. Anh Đức Trí (Ba Tri, Bến Tre) cho biết, anh đã mất cả ngày chỉ để liên hệ với nhà mạng qua đường dây nóng nhằm giải quyết vấn đề.

Song các cuộc gọi đến đường dây nóng đều thất bại, phải đến đêm 28/2 anh Trí mới nhận được phản hồi. Phía nhà mạng cho biết, nếu như anh đã nhận được thông báo thành công và bấm nút xác nhận thì chắc chắn sẽ có mail phản hồi nhưng không rõ thời gian.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện VinaPhone thông tin, sáng 28/2, chưa đầy 30 phút kể từ thời điểm website đăng ký giữ chỗ được mở, 1.000 thuê bao đẹp đầu 0888 đã được đặt hết. Theo đó, với những số đẹp đã được nhà mạng chọn lọc, khách hàng buộc phải sử dụng gói cước trả sau. Đầu số này cũng nhắm vào nhóm khách hàng VIP.

Hình thức trả sau của VinaPhone được chia ra 14 loại số và có các mức cam kết sử dụng khác nhau, phụ thuộc vào mức cước sử dụng hàng tháng của khách hàng. Thời gian cam kết sử dụng sẽ kéo dài ít nhất 6-36 tháng. Cước cam kết tối thiểu đã bao gồm cước thuê bao tháng từ 100.000 đến 7 triệu đồng một tháng (đã có thuế VAT 10%). 

Chẳng hạn, sim 10 số ngũ quý 6,8,9 tiến 6 số 456789 cước tháng tối thiểu là 7 triệu đồng, thời gian cam kết sử dụng 36 tháng. Số ngũ quý 5-7, lặp kép 3 (ví dụ: 393939, 6868686...) cước tháng tối thiểu là 5 triệu đồng và thời gian cam kết là 36 tháng. Nếu khách hàng không phát sinh cuộc gọi vẫn phải trả mức cước phí theo quy định. 

Đại diện này cho biết, giá cước và giao dịch đều làm theo đúng quy định và khá linh hoạt. Bên cạnh đó, tùy vào mỗi chiếc sim sẽ tương ứng với giá gói cước hàng tháng được xây dựng theo định hướng phù hợp với khách hàng. 

Ngoài ra, rất nhiều thuê bao đầu số 0888 cho hình thức trả trước với tài khoản chính là 0 đồng. 

Đại diện nhà mạng cũng khuyến cáo, người dùng nên sử dụng những kênh trực tiếp để đăng ký mua sim với mức giá đúng quy định. Hiện đơn vị chưa phân phối và chưa có ý định cho các đại lý, chỉ bán tại các điểm giao dịch của VinaPhone. 

Theo một chuyên gia trong ngành, đầu số 0888 được mua bởi là thuê bao 10 số mới trên thị trường. Song theo vị này, nhiều khả năng, những người mua số đẹp đầu 0888 là các đầu nậu, người buôn sim. Do đó, việc bán hết 1.000 sim chỉ trong 30 phút buổi sáng là không lạ. 

Rao bán sim 01888888888 giá 18 tỷ đồng

Khi thương lượng với khách hàng, các đại lý chào bán chiếc sim 01888888888 với giá 8-10 tỷ đồng. Song, giá chào bán trên web của chiếc sim là 18 tỷ đồng.

Thứ trưởng Công Thương 'né' khi bị truy vấn về Liên Kết Việt

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, hoạt động của Liên Kết Việt là lừa đảo, chứ không phải kinh doanh đa cấp, nhưng từ chối thông báo rõ vi phạm hành chính của công ty này.

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã làm "không chậm trễ" trách nhiệm của mình trong việc xử lý Công ty Liên Kết Việt, đơn vị đã lừa đảo hơn 60.000 người, chiếm đoạt số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Hải, hoạt động của Liên Kết Việt thực chất là lừa đảo, chứ không phải là kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, trong thông báo mới đây của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương Bạch Văn Mừng, công ty này lại bị phạt vì có vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Khi bị truy vấn về việc tại sao không công khai việc xử lý vi phạm hành chính 570 triệu đồng và thông báo rõ những vi phạm của công ty này, ông Hải lúng túng và rời khỏi vòng vây của hàng chục phóng viên.

Thứ trưởng Công Thương 'né' khi bị truy vấn về Liên Kết Việt
Liên Kết Việt bị phạt số tiền 570 triệu do các vi phạm hành chính trong kinh doanh đa cấp. Ảnh minh họa.

Công ty Liên Kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10/2/ 2014. Ngày 21/10/2014, Liên Kết Việt nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, trước khi bắt đầu thực hiện hàng loạt hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Trong vòng 1 năm, công ty này đã lừa đảo số tiền 1.900 tỷ đồng của hơn 60.000 bị hại trên 27 tỉnh thành.

Ngày 28/2, Bộ Công Thương mới công khai kết quả tiến hành điều tra việc cạnh tranh của công ty này, đồng thời ban hành quyết định xử phạt 570 triệu đồng do vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp. Số tiền phạt được đại diện Cục quản lý cạnh tranh đánh giá là "rất lớn", nhưng không thể so với số tiền doanh nghiệp này đã lừa đảo người dân.

Bộ Công Thương lên tiếng về đa cấp Liên kết Việt

Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương Bạch Văn Mừng lên tiếng về một số vấn đề xung quanh hoạt động bán hàng đa cấp của công ty Liên Kết Việt.


Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ

Ngày 29/2, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoB) tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, đồng thời cắt giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng.

Theo Bloomberg, đến chiều 29/2, tỷ giá quy đổi là 6.5452 tệ ăn 1 đôla Mỹ, giảm 0,17% so với thứ sáu tuần trước. Động thái này là nhằm vực dậy nền kinh tế đang ì ạch của nước này.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 12, đồng nhân dân tệ giảm liên tục trong 7 ngày, đạt mức giảm 0,5%.

Điều này đã gây ảnh hưởng đến tâm lý của những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong ngày hôm nay 29/2, chỉ số Thượng Hải Composite Index giảm 3,39% còn Thẩm Quyến Composite Index giảm 4,48%.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng mất 184,31 điểm, giảm 0,95%, đạt ở mức 19.179,84

Ngược lại, theo dữ liệu ngày 26/2, đồng USD lại tăng 0,7%, mức tăng cao nhất kể từ ngày 17/12. Trong quý IV/2015, nền kinh tế Mỹ đã có những bước tăng trưởng ngoài dự kiến.

Song song đó, để tìm cách vực dậy nền kinh tế, PBoB cũng giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc ở mỗi ngân hàng. Trên website chính thức, PBoB cho biết sẽ cắt tỷ lệ dự trữ bắt buộc mất 50 điểm, tương đương 17%. Điều này sẽ có hiệu lực từ ngày mai 1/3.

Lần cuối cùng Trung Quốc thực hiện điều này là vào ngày 23/10, khi đó giảm 25 điểm nhằm khống chế chi phí tài chính xã hội.

Giá gas tại TP HCM tăng lần đầu trong năm 2016

Theo đó, giá niêm yết mỗi bình 12 kg sẽ tăng 1.500 đồng. Nguyên nhân giá trong nước tăng là do giá nhập khẩu hiện lên tới 305 USD một tấn, tăng 5 USD so với tháng trước.

Công ty Saigon Petro cho biết, kể từ ngày 1/3, giá bán lẻ gas SP trong nước sẽ tăng khoảng 125 đồng một kg. Giá này đã có thuế VAT.

Như vậy, giá bình gas 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ khoảng 258.500 đồng, tăng 1.500 đồng.

Saigon Petro cho biết, giá trong nước sẽ được điều chỉnh tương ứng với mức tăng của giá thế giới. Theo đó, giá gas SP nhập khẩu hiện tăng 5 USD một tấn, lên mức 305 USD một tấn.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong năm 2016, giá gas điều chỉnh tăng. Trong 2 lần điều chỉnh trước, giá đã lùi khá lớn, tổng cộng trên 50.000 đồng một bình 12 kg, do giá thế giới có thời điểm xuống dưới 300 USD một tấn.

Giá gas tại TP HCM tiếp tục giảm từ 1/2

Giá gas sẽ tiếp tục giảm hơn 20.000 đồng/bình 12 kg. Các doanh nghiệp đầu mối tại TP HCM vừa cho biết mức giảm này sẽ bắt đầu từ 1/2/2016.

Bí thư Thăng hứa mở rộng cửa đón nhà đầu tư

Đó là cam kết được Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đưa ra trong buổi làm việc với đại diện công ty Temasek Holdings thuộc Bộ Tài chính Singapore.

Ông Thăng cũng cho biết sẽ nhận thông tin kiến nghị của nhà đầu tư qua đường dây nóng của UBND cùng các sở ban ngành.

TP HCM sẽ luôn luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư để hoàn thiện môi trường kinh doanh. Sắp tới TP sẽ tăng cường cải cách hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh, Bí thư Thăng cam kết.

"Trong quá trình hoạt động kinh doanh các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI có khúc mắc gì xin cứ liên hệ, kiến nghị với đường dây nóng của UBND cùng với tất cả các sở ban ngành liên quan".

Bí thư Thăng cũng chỉ đạo UBND cùng các sở ban ngành cũng phải chủ động nắm bắt tình hình kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi có vấn đề phát sinh, không chờ đến khi được phản ánh trên đường dây nóng mới thực hiện.

Với những nỗ lực đó TP cũng mong muốn các nhà đầu tư tăng tốc đầu tư hơn nữa vào các dự án hiện tại cũng như tăng giá trị đầu tư ở các dự án mới. 

Bà Cheo Hock Kuan, Giám đốc cao cấp phụ trách chiến lược của Tập đoàn trên cũng gửi lời cảm ơn đến Bí thư Thăng đã có thiện ý quan tâm tới tập đoàn nói riêng và nhà đầu tư FDI nói chung.

Bà hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của lãnh đạo TP để tạo cơ hội cho nhà đầu tư đầu tư được thuận lợi hơn.

Temasek Holdings - tập đoàn kinh doanh vốn Nhà nước của Singapore được thành lập năm 1974 từ lâu đã là cái tên quen thuộc trên sàn chứng khoán Việt Nam với khoản đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng trái phiếu vào Hoàng Anh Gia Lai và nắm 20% vốn tại Ngân hàng Phát triển Mekong (MDB). Hiện Temasek đang quản lý danh mục đầu tư trị giá hơn 170 tỷ USD.

Mới đây, Cashew Invesment và The Asian Entrepreneur Legacy (TAEL) Partners, hai nhánh của Temasek Holdings cũng rót gần 50 triệu USD để sở hữu 12,3 triệu cổ phần của Tập đoàn FPT và 8 triệu cổ phần Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình Dương (PAN).  Tổng Giám đốc Tập Đoàn này đồng thời cũng là phu nhân của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Campuchia vượt Việt Nam xuất khẩu dệt may vào EU

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2015, Campuchia đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU.

Trong tổng số hơn 90 tỷ USD hàng dệt may các nước châu Âu (EU) nhập khẩu năm ngoái, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6, sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Campuchia. Cụ thể, trong năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào EU đạt 3,11 tỷ USD, tăng 5,01% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 3,45% trong tổng kim ngạch hàng dệt may các nước xuất vào EU.

Campuchia vượt Việt Nam xuất khẩu dệt may vào EU

Dệt may Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong các quốc gia xuất khẩu vào EU.

Trong khi đó, dù đơn giá xuất khẩu vào EU của Campuchia có giảm so với năm trước và thấp hơn khá nhiều so với Việt Nam nhưng với mức tăng trưởng xuất khẩu tới 9,95% và tổng kim ngạch hơn 3,27 tỷ USD. Campuchia đã vượt Việt Nam về thị phần xuất khẩu vào thị trường này (thị phần của Campuchia là 3,64%).

Hiện Trung Quốc là nước xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU với kim ngạch 33,26 tỷ USD nhưng lại giảm 11,71% so với năm 2014.

Hiện EU là một trong những thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, sau Mỹ. Với hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU vừa chính thức kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015, dự kiến sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, nhất là các lĩnh vực chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ… khi phần lớn thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0%.


Theo T.Phương/Người Lao Động

Vietjet tung 2 triệu vé giá từ 0 đồng trong tháng 3

2 triệu vé giá chỉ từ 0 đồng được Vietjet bán trong thời gian từ 1/3 đến 8/3, áp dụng với điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước.

Tuần lễ Bừng tỉnh giờ vàng, 12h rồi, Vietjet thôi! tiếp tục tạo nên cơn sốt vé mới những ngày đầu năm.

Địa chỉ website www.vietjetair.com nóng lên bởi nhiều hành khách đang săn cơ hội bay giá hấp dẫn vào tuần lễ Bừng tỉnh giờ vàng 1/3 đến 8/3 của Vietjet. Bên cạnh mạng bay nội địa, các điểm đến quốc tế hấp dẫn như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan hay Myanmar làm nức lòng tín đồ du lịch cũng có mặt trong đợt vé giá ưu đãi này.

Vietjet tung 2 triệu vé giá từ 0 đồng trong tháng 3

Đài Bắc có mặt trong danh sách các điểm đến giá vé ưu đãi của Vietjet.

Vietjet tung 2 triệu vé giá từ 0 đồng trong tháng 3

Hàn Quốc luôn là điểm đến thu hút khách du lịch.

Với 2 triệu vé giá hấp dẫp, Vietjet tiếp tục tạo nên mùa du lịch mới sôi động, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách. “Đã quen thuộc với các chương trình khuyến mãi giờ vàng 12h-14h của Vietjet nhưng mỗi khi có đợt khuyến mãi mới, chúng tôi đều rất phấn khích. Cả gia đình cũng tham gia để tìm thêm nhiều cơ hội khám phá các điểm đến mới thú vị”, một tín đồ du lịch tại TP HCM cho biết.

Vietjet tung 2 triệu vé giá từ 0 đồng trong tháng 3
Chương trình ưu đãi giá vé của Vietjet giúp du khách thỏa thích đi du lịch khắp nơi.

Nhiều tài khoản Facebook liên tục cập nhật thông tin khuyến mãi của các hãng hàng không cho biết, rất bất ngờ với số lượng vé khổng lồ từ tuần lễ vàng của Vietjet: “Vé bán ra nhiều lắm, không ít vé giá chỉ từ 0 đồng, chưa bao giờ tôi thấy việc săn vé dễ dàng và thuận tiện đến vậy”.

Vốn có nhiều kinh nghiệm mua vé tiết kiệm, thành viên của một nhóm phượt tại Hà Nội cũng cho biết: “Nếu đã có kế hoạch cụ thể, bên cạnh niềm đam mê du lịch, hành trang của bạn không thể thiếu những chiếc vé siêu tiết kiệm”.

Tuần lễ Bừng tỉnh giờ vàng nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình 12h rồi, Vietjet thôi! từ 1/3 đến 8/3 với 2 triệu vé tiết kiệm giá từ 0 đồng tại website www.vietjetair.com, áp dụng trên tất cả đường bay trong nước và quốc tế đến Seoul, Đài Bắc, Singapore, Bangkok, Yangon (Myanmar) cho thời gian bay từ 15/3 đến 31/12 (trừ các ngày lễ Tết).

Vé đã được mở bán tại website www.vietjetair.com, trên điện thoại smartphone http://ift.tt/1esvh3x và Facebook, mục “Đặt vé”. Thanh toán ngay bằng các loại thẻ Visa/ Master/ AMEX/ JCB/ thẻ ATM của 24 ngân hàng lớn tại Việt Nam (có đăng ký Internet Banking).

Vốn nhà nước có thể thất thoát từ đề xuất lạ của VNA

Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) vừa có tờ trình xin phê duyệt việc góp vốn, thành lập hãng hàng không mới theo mô hình công ty mới.

Vasco hiện là Chi nhánh của VNA và là nhà khai thác dịch vụ hàng không được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ khai thác tàu bay (AOC). Sau khi VNA được cổ phần hóa, Vasco đang trong quá trình chuẩn bị chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên Bay dịch vụ hàng không.

Tại văn bản số 2336 gửi Bộ GTVT, VNA cho biết: trong quá trình hoàn thiện đề án chuyển đổi, VNA nhận được đề nghị của Ngân hàng Techcombank tham gia góp vốn để trở thành cổ đông của Vasco. VNA đã tiếp nhận đề nghị này để định hướng thành lập một công ty mới theo mô hình công ty cổ phần thay cho kế hoạch chuyển đổi thành Công ty TNHH trước đó.

Theo VNA, việc tổ chức thành công ty cổ phần sẽ giúp Vasco có khả năng huy động vốn cao hơn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường và cách thức quản trị một doanh nghiệp theo mô hình công ty cổ phần sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Vốn nhà nước có thể thất thoát từ đề xuất lạ của VNA

Vascođược kỳ vọng trở thành hãng hàng không thứ ba để tạo thế "chân kiềng" trên thị trường hàng không nội địa?

Trong tờ trình nói trên, qui mô vốn điều lệ của Vasco tối thiểu sẽ là 300 tỷ đồng, trong đó, VNA góp 51%, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) của Techcombank góp 48% và Công ty cổ phần dự án Techcomdeveloper góp 1%. VNA vốn  góp bằng các tài sản hiện có  do Vasco đang quản lý như đội tàu bay ATR 72, kho phụ tùng vật tư, động cơ dự phòng, 2 cổ đông còn lại góp bằng tiền.

Cũng theo đề án trình Bộ GTVT, VNA cho biết công ty mới sẽ có tên gọi dự kiến là Công ty CP Hàng không Vasco và đây là một “hãng hàng không mới”. Tuy nhiên, nhìn vào điều lệ hoạt động (dự kiến) và cơ cấu tổ chức, điều hành thì dễ dàng thấy rằng đội bay Vasco cơ bản vẫn như cũ, chỉ thêm cổ đông góp vốn và VNA vẫn là đơn vị nắm cổ phần chi phối (51%), quyết định định hướng phát triển của Vasco giống như hiện nay.

Nếu phương án đề xuất được chấp thuận, Công ty cổ phần hàng không Vasco sẽ đi vào hoạt động từ quý 2/2016 với phương án kinh doanh dựa trên 5 tàu bay sẵn có, với số giờ bay trung bình cho cả 5 tàu bay đến 4 điểm bay nói trên cỡ khoảng 187 giờ bay/tàu/tháng.

Mặc dù khẳng định việc thành lập hãng hàng không Vasco là hiệu quả và cần thiết phải tiến hành song VNA lại đưa ra những số liệu kế hoạch tài chính không thực sự thuyết phục, nếu như không muốn nói là "lạ đời".

Vốn nhà nước có thể thất thoát từ đề xuất lạ của VNA

Dịch vụ cho thuê trực thăng du lịch của Vasco.

Theo đó, hãng hàng không Vasco sẽ có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng và khai thác đội bay sẵn có, hệ thống đường bay sẵn có (lợi thế riêng chỉ khai thác được bằng tàu bay ATR 72 như Côn Đảo, Cà Mau, Kiên Giang, Điện Biên)... nhưng đề án của VNA chỉ nêu hiệu quả hoạt động của công ty này cho cả giai đoạn 2016-2018 vẻn vẹn có…1,949 tỷ đồng.

Đây là con số quá thấp mà nhà đầu tư Techcombank, là một ngân hàng thừa hiểu rằng, vốn góp của họ (tối thiểu khoảng gần 150 tỷ đồng) vào công ty này, nếu đem gửi ngân hàng, đã sinh ra khoản lợi nhuận lớn hơn rất nhiều lần.

Đó là chưa bàn tới việc Techcombank đầu tư vào Vasco với tỷ lệ sở hữu cổ phần lên tới 49-50%, so với vốn điều lệ của ngân hàng này cũng là vấn đề mà cơ quan phê duyệt phải xem xét, đó có phải là khoản đầu tư ngoài ngành, vượt quá qui định cho phép không.

Thêm vào đó, việc thành lập hãng hàng không Vasco dưới dạng công ty cổ phần của VNA còn có dấu hiệu đáng quan ngại khi mà thương hiệu, tài sản của doanh nghiệp cổ phần không được định giá và bán công khai minh bạch.

Thiết nghĩ, nếu VNA có chủ trương cổ phần hoá, gọi vốn đầu tư cho Vasco thì nên chăng cần công khai kế hoạch này, tổ chức định giá Vasco, đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đẩm bảo tài sản hiện hữu của nhà nước tại Vasco (máy bay, mạng bay, thương hiệu) được sử dụng và định giá đứng mức đồng thời chọn được nhà đầu tư phù hợp nhất.

Bởi, thực tế kinh doanh hàng không ở thị trường nội địa không phải là "cuộc chơi" chỉ có tiềm lực tài chính là có thể thành công. "Cái chết" của những hãng hàng không như Indochina Airlines (đã phá sản), Trãi Thiên (phá sản), Air Mekong (cũng đã ngừng bay), Blue Sky Air (ngừng hoạt động)… là những bài học nhãn tiền.


Theo Anh Phương/Pháp Luật Việt Nam

Hai dự án công nghệ cao rót hàng trăm tỷ đồng vào Bình Định

Bình Định giao hàng trăm ha đất cho các Tập đoàn triển khai dự án nuôi tôm và đầu tư trang trại nuôi heo công nghệ cao với tổng vốn hơn 800 tỷ đồng.

Trao đổi với Zing.vn ngày 29/2, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương vừa giao 126 ha đất ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Cát) cho Tập đoàn Việt Úc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. 

Hai dự án công nghệ cao rót hàng trăm tỷ đồng vào Bình Định
Người dân ven biển đảo miền Trung nuôi tôm hùm xuất khẩu. Ảnh: Minh Hoàng.

Dự án này có quy mô mỗi năm ươm nuôi, sản xuất khoảng 3 tỷ con tôm giống (chất lượng cao, hạn chế dịch bệnh) đáp ứng nhu cầu người dân nuôi trồng thủy sản cả nước. Ngoài ra, nhà đầu tư còn nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trong nhà kính đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Theo ông Châu, Bình Định cũng đã giao 90 ha đất ở xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) cho Tập đoàn Hùng Vương đầu tư trang trại nuôi heo công nghệ cao. Từ nay đến tháng 6, trang trại này được đầu tư quy mô khoảng 5.000 con. Đến cuối năm 2017, trang trại mở rộng chăn nuôi lên 10.000 con heo thịt. Mục tiêu của dự án là cung cấp thịt heo sạch cho Bình Định và các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

"Hai nhà đầu tư này cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật giúp người dân trong vùng dự án nuôi tôm, chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình", ông Châu nói. 

Tổng vốn đầu tư hai dự án này khoảng 800 tỷ đồng. 


'Hãng hàng không bikini' của Việt Nam sẽ IPO vào quý II/2016

Bloomberg đưa tin, nuôi tham vọng trở thành "Emirates của châu Á", Vietjet Air dự định sẽ thực hiện kế hoạch IPO vào quý II/2016, 30% vốn có thể được bán cho đối tác ngoại.

"Hãng hàng không bikini" của Việt Nam là danh từ được Bloomberg dùng để gọi Vietjet Air trong bài viết mới đây về kế hoạch IPO của công ty này. Theo đó, Vietjet Air có thể sẽ thực hiện kế hoạch IPO vào quý II/2016, trong đó sẽ bán ra 30% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài - mức tối đa mà Chính phủ cho phép.

Đây là một trong những động thái, theo Vietjet Air, sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của hãng bên cạnh kế hoạch phát triển mạng lưới đường bay, nhằm đưa Vietjet Air trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu châu Á.

'Hãng hàng không bikini' của Việt Nam sẽ IPO vào quý II/2016
"Hãng hàng không Bikini" của Việt Nam nuôi tham vọng trở thành một "Emirates của châu Á". Ảnh: Bloomberg.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân duy nhất tại Việt Nam - cho biết thời điểm IPO cụ thể sẽ còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của thị trường trong nước và thế giới. Số vốn dự kiến huy động cũng chưa được công bố.

"Chúng tôi có kế hoạch đưa Vietjet Air trở thành hãng hàng không toàn cầu. Nhìn vào Emirates, một hãng hàng không của một quốc gia với dân số nhỏ mà giờ đây lại trở thành một biểu tượng hàng không thế giới, chúng tôi cũng muốn đưa Vietjet Air trở thành Emirates của châu Á", bà Thảo nói với Bloomberg trong bài phỏng vấn hôm thứ 6 vừa qua.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vietjet Air, hãng hàng không này đã vận chuyển được khoảng 9,3 triệu lượt khách vào năm 2015, tăng 66% so với năm 2014. Doanh thu tăng tới 205%, đạt 10.900 tỷ đồng (tương đương 488 triệu USD) trong khi lợi nhuận ròng là 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm nay, hãng bay này sẽ tăng gấp đôi doanh thu, với lượng khách vận chuyển dự kiến đạt 15 triệu lượt.

CAPA dự báo, năm 2016, Vietjet Air có thể vượt mặt Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không dẫn đầu thị phần nội địa. Trong khi đó, Việt Nam có thể sớm trở thành một trong 10 thị trường hàng không phát trển nhất thế giới trong vòng 2 thập kỷ tới, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế dự báo.

"Việt Nam là thị trường lý tưởng cho các hãng hàng không giá rẻ", Brendan Sobie, chuyên gia phân tích của CAPA ở Singapore cho hay. "Điều đó cũng khiến Vietjet Air trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, bởi tính cạnh tranh và rủi ro hiện không cao".

Trong đánh giá của riêng mình, Vietjet Air cho rằng thị trường hàng không trong nước tăng trưởng tới 20% trong vòng 3 năm qua. Tháng trước, Vietjet Air đã ký một hợp đồng trị giá 3,04 tỷ USD với Pratt & Whitney để đặt mua động cơ cho 63 chiếc Airbus A320neo và A321neo mà hãng đã mua năm ngoái. 

Theo kế hoạch, hãng sẽ tăng số lượng máy bay lên 42 chiếc vào cuối năm nay, trước khi đạt đủ 100 chiếc vào năm 2020. Đồng thời, mạng lưới đường bay trong năm nay cũng sẽ được mở rộng tới Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc và Nhật Bản.

"Chúng tôi đã sẵn sàng bước lên một nấc thang phát triển mới, sẵn sàng tiếp nhận những vận hội mới của quá trình hội nhập của đất nước mang lại", bà Thảo chia sẻ.

Tuy vậy, kế hoạch vươn tầm ra thế giới của Vietjet Air được đánh giá có thể sẽ gặp nhiều thách thức, bởi các thị trường mới đem tới nhiều rủi ro hơn. Trong khi Vietjet Air rõ ràng không thể lần thứ 2 có được vị thế tiên phong như những gì hãng đang có tại Việt Nam.

Kế hoạch IPO của Vietjet Air được công bố cũng trùng với thời điểm chỉ số chứng khoán hàng không châu Á của Bloomberg giảm 14% kể từ đầu năm 2016, sau khi đã đạt mức tăng 19% vào năm ngoái. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á và Việt Nam nói chung chưa khởi sắc trở lại sau đợt bán tháo và giảm giá mạnh mẽ vừa qua.

Bộ trưởng Thăng: 'Giảm giá vé máy bay cho bà con nhờ'

Nghe báo cáo tổng kết của Vietnam Airlines với nhiều con số lợi nhuận hấp dẫn, Bộ trưởng Thăng nói Vietnam Airlines lợi nhuận cao như thế thì giảm giá vé máy bay cho bà con nhờ.


Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Tân Tổng GĐ PV Oil: 'Hai chữ lợi nhuận bây giờ xa xỉ quá'

Năm ngoái, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) lãi 500 tỷ đồng trên doanh thu 50.000 tỷ đồng, con số quá khiêm tốn song dù sao kết quả kinh doanh còn dương.

Tình hình năm nay, chia sẻ với báo giới vào cuối tuần qua tại Hà Nội, tân Tổng Giám đốc Cao Hoài Dương nói rằng “hai chữ lợi nhuận bây giờ quá xa xỉ”.

Tân Tổng GĐ PV Oil: 'Hai chữ lợi nhuận bây giờ xa xỉ quá'

Tổng Giám đốc Cao Hoài Dương

Nhìn thấy lỗ từng ngày

Ông Dương vừa nhận “ghế” Tổng Giám đốc PV Oil từ tháng 1/2016, “gánh” luôn cuộc khủng hoảng của giá dầu. Kinh qua nhiều vị trí chủ chốt tại nhiều đơn vị trong ngành Dầu khí, song có lẽ đây là “ca” khó nhất của CEO này. 

“Câu chuyện có lẽ phải đi từ cái gốc như thế này: theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu thì tất cả doanh nghiệp đầu mối, trong đó có PV Oil, luôn phải có dự trữ về sản phẩm xăng dầu tương đương với 30 ngày hoạt động.

Năm 2015 diễn biến giá dầu nửa năm đầu hoặc là đi ngang hoặc là có hơi lên một chút, 6 tháng cuối năm bắt đầu cứ thế đi xuống, trong làm kinh doanh, chúng tôi cũng chắt chiu, dành dụm…, cũng còn có được một chút lợi nhuận, xấp xỉ 500 tỷ đồng, dù  so với doanh thu 50.000 tỷ thì ai cũng thấy rằng tỷ suất lợi nhuận rất là nhỏ.

Bước sang đầu năm 2016, giá dầu liên tục giảm, ngày hôm nay thấp hơn ngày hôm qua và ngày mai lại thấp hơn ngày hôm nay. Các anh chị hình dung, hàng mình mua, mình nhập, ký hợp đồng trong ngày hôm nay, giá ngày hôm nay thì sớm nhất cũng phải vài ngày mới về đến kho, và đến tay người tiêu dùng cũng mất từ 1 tuần đến 10 ngày. Như vậy là khi bán ra thì giá đã tụt rồi. Chuyện lỗ là nó xuất phát như vậy.

Do hàng phải luôn luôn dự trữ 30 ngày, nhưng khi chúng tôi đảo hàng bán ra thì phải theo chu kỳ 15 ngày điều chỉnh theo giá thế giới, lúc này giá đã thấp hơn giá khi nhập vào. Đó là nguyên nhân lớn nhất gây lỗ” - ông Dương chia sẻ.

“Chia lửa” với Dung Quất

Nhưng câu chuyện trên mới chỉ là một vế của vấn đề. PV Oil là doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng là đơn vị 100% vốn của Tập đoàn, coi như là “người cùng nhà”.

“So với các đơn vị xăng dầu đầu mối khác, chúng tôi có nhiệm vụ được Tập đoàn giao là ưu tiên tiêu thụ hàng Dung Quất. Năm nay kế hoạch của chúng tôi là sẽ kinh doanh khoảng 3,2 triệu tấn/m3 xăng dầu, trong đó hơn 2/3 là chúng tôi mua của Dung Quất” - ông Dương cho biết.

Trong khi đó, Nhà máy Dung Quất đang kêu trời vì các sản phẩm xăng dầu nội bị áp mức thuế nhập khẩu cao hơn nhiều so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do (Form D).

Đặc biệt, với Thông tư 201/2015/TT-BTC ngày 16/12/2015, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm chỉ còn một nửa so với thuế áp đối với xăng Dung Quất (10% so với 20%). Như vậy, riêng về chi phí thuế, xăng Dung Quất đã cao hơn xăng nhập 4,87 USD/thùng (tính theo giá trung bình tháng 1/2016 của sản phẩm xăng).

“Nếu như các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối khác, không ràng buộc gì cả, thì họ vẫn thích nhập khẩu bên ngoài về vì có chênh lệch về thuế. Chúng tôi không có được sự linh hoạt như vậy, nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ, các đơn vị trong Tập đoàn phải chia sẻ với nhau, phải ưu tiên nhập hàng của Dung Quất trước” - Tổng Giám đốc PV Oil nói. 

“Khó lúc này, dễ lúc khác”

Theo ông Dương, trong điều kiện bình thường, công suất của Dung Quất là 6,5 triệu tấn (dầu thô)/năm, trong khi đó nhu cầu xăng dầu toàn thị trường là 16 - 17 triệu tấn, một mình Nhà máy Dung Quất cũng không thể nào đáp ứng được, vẫn phải nhập từ bên ngoài. Nhưng bối cảnh hiện nay, nếu như so sánh đơn thuần về giá thì đúng là mua của bên ngoài được lợi hơn nhiều, và vì PV Oil đang phải chấp nhận mất đi lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác. 

“Chúng tôi không có cách nào khác là phải tự co kéo. Cùng là đơn vị thành viên của Tập đoàn thì chúng tôi phải chia sẻ khó khăn với nhau vì lợi ích chung của Tập đoàn, không thể nào mình chỉ bo bo nghĩ về mình được. Thực ra tôi vẫn hy vọng rằng có lúc này, lúc khác. Chẳng có cái gì mãi mãi là lợi thế hay mãi mãi là bất lợi cả. Cho nên tôi nghĩ là khó lúc này sẽ dễ lúc khác. Có lúc chúng tôi khó khăn thì Dung Quất lại hỗ trợ”.

Cổ phần hóa vào cuối năm, Gazprom Neft đã rút lui

Theo kế hoạch, PV Oil sẽ cổ phần hoá công ty mẹ - Tổng công ty vào cuối năm nay. Về tỷ lệ tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài, ông Cao Hoài Dương cho biết sẽ không cao hơn 25% vì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn giữ 75% cổ phần.

Ông Dương cũng cho biết, trước đây Tập đoàn Dầu khí Nga Gazprom Neft đã bày tỏ ý định đầu tư vào PV Oil nhưng nay đã xin rút lui, doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán với các đối tác khác. Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia kinh doanh, phân phối xăng dầu tại Việt Nam nếu  đầu tư nhà máy lọc dầu.

Theo Đức Sơn/Pháp Luật Việt Nam

Sau Tết, gần 70% người lao động muốn nghỉ việc

Đây là những người đã có kinh nghiệm, có năng lực, mong muốn tìm một công việc mới với nhiều cơ hội thăng tiến, cũng như phúc lợi cao hơn.

Khảo sát của  JobStreet.com với 2.000 ứng viên tham gia cho thấy, có 67,8% người lao động muốn từ bỏ công việc hiện tại để tìm kiếm một cơ hội công việc khác. Nhu cầu nơi làm việc mới của những lao động này là giúp họ có cơ hội được đào tạo, thăng tiến cao hơn trong công việc chứ không phải tập trung vào phúc lợi nhận được.

Lệch pha ngành nghề, trình độ trong nhu cầu tuyển dụng

Bà Angie S W Phang, Tổng giám đốc JobStreet Việt Nam, cho biết, sau Tết nhu cầu tuyển dụng nóng lên từng ngày. Chỉ trong tuần đầu tiên mở cửa trở lại, doanh thu từ tuyển dụng của đơn vị này đã tăng vượt bậc, bằng với tổng doanh thu bình quân các tháng trước đó. Số lượng tin đăng tuyển của các doanh nghiệp liên tục và ồ ạt, ở tất cả các ngành nghề, với mức tăng gấp 4 lần so với các tháng bình thường. Trong đó, ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là kinh doanh và tiếp thị. Thống kê sơ bộ số lượng đăng tuyển qua đơn vị này trong một tuần, từ ngày 15-20/2 tương đương với tổng lượng đăng tuyển của 2-3 tuần trước Tết.

“Điều đáng nói là lượng lao động các doanh nghiệp cần trong thời điểm này không phải vì nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, mà là để thay thế, bù đắp cho số lao động nghỉ việc”, bà Angie S W Phang cho biết.

Đơn vị này cũng thực hiện khảo sát thị trường trên 350 nhà tuyển dụng, với kết quả trên 75% đánh giá quý I và quý II là giai đoạn thường xuyên có biến động về mặt nhân sự. Trong đó, 68% đánh giá sau Tết là giai đoạn cao điểm về nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, đang có sự lệch pha trong tuyển dụng của một số ngành nghề trên thị trường. Theo số liệu tại tháng 1/2016, với lao động văn phòng, hiện kinh doanh, tiếp thị và công nghệ máy tính -  thông tin là ba ngành có nhu cầu tuyển dụng rất cao (chiếm hơn 40% tổng số công việc đăng tuyển).

Trong khi đó, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, thị trường lao động thời điểm sau Tết chỉ tập trung lớn vào nhu cầu lao động phổ thông - lao động thời vụ phục vụ. Số liệu khảo sát định kỳ trong tháng 2/2016 mà Trung tâm này vừa thực hiện cho thấy, có 1.546 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 12.437 chỗ làm, tăng 6,29% so với tháng 1 và có 5.374 người có nhu cầu tìm việc.

Nhóm kinh doanh - bán hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 25% tổng nhu cầu. Tiếp theo là các ngành dịch vụ-phục vụ, du lịch - nhà hàng - khách sạn. Khác với mọi năm, nhóm dệt may - da giày lại có nhu cầu khá thấp, chỉ 2,77%. Mức lương tuyển dụng 5-8 triệu chiếm 25,64%; mức 8-10 triệu đồng chiếm 23,08%; cao nhất là 10-15 triệu chiếm 51,28%.

Sau Tết, gần 70% người lao động muốn nghỉ việc

Trong tháng 2/2016, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm đến 38,24%. Nguồn: Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM.

Doanh nghiệp cần đối phó với lao động nhảy việc

Nhiều khảo sát gần đây cho thấy, đa phần người lao động đang có xu hướng lựa chọn công việc ứng tuyển khác với 1-2 năm trước. Những người lao động trẻ thường lựa chọn việc có mục tiêu và tạo ra những giá trị khác biệt mà không đặt nặng vấn đề phúc lợi như trước đây.

Các ứng viên được hỏi đều chia sẻ, họ muốn làm việc ở một công ty tốt hơn là một doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, các công ty có sự mở rộng kinh doanh ra ngoài thị trường Việt Nam được nhiều lao động chọn lựa. Nhiều ứng viên trẻ cũng cho biết, sẵn sàng làm việc ở nước ngoài trong thời gian 3-5 năm để học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm.

Theo bà Angie S W Phang, 2016 sẽ là năm các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt để giữ chân người lao động, nhất là lao động giỏi. Bởi đây là thời điểm lao động có sự chuyển dịch mạnh mẽ do thị trường chung AEC hình thành, lao động Việt có nhiều cơ hội làm việc ở các nước trong khu vực.

Lao động phổ thông càng có nhiều cơ hội, vì so với các nước trong khu vực, đây vẫn là nguồn nhân lực lành nghề nhưng giá lại rẻ hơn. Trong khi đó, dù Việt Nam đang có lợi thế là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhất Đông Nam Á, nhưng cơ hội tuyển dụng lao động giỏi từ các nước cũng không dễ nếu doanh nghiệp Việt không có sự chuẩn bị, nhất là việc cơ cấu lại mức lương, thưởng, các chế độ đào tạo…

Sự thay đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần chủ động xây dựng ngân hàng nhân lực để bù đắp vào lượng lao động nhảy việc. Quỹ lương theo đó cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với kế hoạch tuyển dụng, và cần chú trọng hơn trong việc xây dựng thương hiệu của công ty.

Theo GS Đào Văn Lượng - nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM, nguồn nhân lực công nghệ thông tin có biến động ngay từ đầu năm chính là việc họ chờ đợi vào sự khởi sắc khi các hiệp định thương mại được ký kết.

Cụ thể, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đang tạo một động lực lớn cho khối lao động ngành nghề này. Khi cộng đồng kinh tế chung này mở cửa thì CNTT sẽ là ngành được luân chuyển tự do nhân sự. Đây sẽ là yếu tố để họ chờ đợi, tìm kiếm một cơ hội khác ngoài biên giới hay ở các công ty đa quốc gia khác trong khu vực.

Song theo ông Lượng, các hiệp định thương mại đã tạo ra môi trường, mở ra cơ hội cho nhân lực CNTT ở Việt Nam, nhưng để tận dụng được thì đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ bản thân cá nhân cũng như định hướng chuyên ngành tốt từ các trường đào tạo.

Việt Nam thua Lào, Campuchia: Cần học hỏi các nước 'kém'

Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế vĩ mô cho rằng với bối cảnh mới, Việt Nam cần thay đổi tư duy để tham gia cuộc chơi mới này - hội nhập sâu rộng hơn.

Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng với bối cảnh mới, Việt Nam cần thay đổi tư duy để tham gia cuộc chơi mới này – hội nhập sâu rộng hơn. Nhưng trong cuộc chơi này không nên dùng chữ thắng thua. Điều quan trọng là mỗi quốc gia cần học hỏi lẫn nhau, cạnh tranh lẫn nhau.

- Quan điểm của ông về những những ý kiến cho rằng Việt Nam đang “tụt hậu” so với Lào và Campuchia?

Thực tế, đây là số liệu thống kê và dự báo chốt ở năm 2014, được công bố trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) vào đầu 2015. Theo tôi, đây không phải là số liệu báo cáo mới nhất. Cập nhật Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu GCR 2015-16, được công bố vào tháng 8/2015, Việt Nam vẫn được xếp hạng ở vị thứ 56, có sự cải thiện đáng kể. Theo báo cáo gần nhất này thì tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (18), Thái Lan (32), Indonesia (37) và Philippines (47).

Trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất. Lào và Campuchia lần lượt xếp thứ 83 và 90 theo bảng xếp hạng, cách xa Việt Nam. Đó là xếp trên thứ hạng dựa trên thang điểm tổng với 140 quốc gia tham gia khảo sát.

Tuy nhiên, đấy là câu chuyện của đầu năm 2015 và bây giờ đã là thời điểm của năm 2016 các tổ chức vẫn chưa có báo cáo thực tiễn để nhìn nhận đánh giá tình hình của mỗi quốc gia.

Riêng trong năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC bắt đầu có hiệu lực, lãnh đạo các nước trong khối đã có tuyên bố chung về tầm nhìn ASEAN. Tuyên bố chung này gắn với 4 trụ cột: Thị trường – một nền sản xuất thống nhất; Cạnh tranh và sáng tạo; Phát triển hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, hỗ trợ cho Lào, Campuchia, Myanmar; Một nền kinh tế khu vực mở - có tiếng nói chung. Bên cạnh AEC, TPP, còn ASEAN + 6, đã được ký kết và mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam bứt phá trong năm 2016.

Theo tôi, với bối cảnh mới, Việt Nam cần thay đổi tư duy để tham gia cuộc chơi mới này - hội nhập sâu rộng hơn. Nhưng trong cuộc chơi này không nên dùng chữ thắng thua. Bởi Việt Nam có tiến lên, Việt Nam có đóng góp cho khu vực và thế giới; ngược lại thế giới và khu vực có tiến lên Việt Nam có thể học hỏi. Và truờng hợp của Lào, Campuchia cũng vậy thôi. Điều quan trọng là mỗi quốc gia cần học hỏi lẫn nhau, cạnh tranh lẫn nhau.

Mỗi quốc gia có sự lựa chọn riêng cho mình. Một nghiên cứu về chuỗi giá trị ở Trung Quốc khá thú vị khi thắng, thua hay vượt mặt đều dựa vào cái bánh nền kinh tế của đất nước. Cái bánh ngày càng to rất nhanh, nên có thể tất cả cùng thắng nhưng với tỷ trọng nhỏ. Vì vậy vấn đề ở đây là giá trị tuyệt đối và tương đối của bánh nhưng quan trọng là mình dành được phần bao nhiêu.

Năm 1995, giá trị gia tăng do DN Trung Quốc tạo nên trong nền kinh tế Trung Quốc là 90% , DN FDI chỉ góp 10%… năm 2010: bánh to hơn nhưng giá trị gia tăng DN Trung Quốc chỉ chiếm 50%, DN FDI tạo ra 50% giá trị gia tăng của nền kinh tế. Điều này cho thấy cái bánh to ra dù tỷ trọng của DN Trung Quốc nhỏ đi nhưng Trung Quốc được lợi nhờ sự kết nối của DN trong và cả nước ngoài.

– Thưa ông, rất nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn đang ở thế bị động ngay trong AEC. Trong một thị trường chung đã mở, có hiệu lực, một trình độ tổ chức kinh doanh nói chung của cộng đồng DN nếu còn yếu kém thì khả năng VN tụt hậu sẽ xảy ra nếu chúng ta không thực sự cẩn trọng, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Hiện tại, ngân sách của chúng ta hết sức khó khăn, nợ công ngày càng gia tăng. Dù Việt Nam dưới ngưỡng hội nhập nhưng rủi ro lại cao dần lên. Như hệ thống ngân hàng đã qua cơn bĩ cực, dần bình thường nhưng vẫn còn một khoảng cách rất lớn để nó thực sự lành mạnh, đáp ứng được thông lệ chuẩn mực của quốc tế.

Khi nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng cao hơn sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, DN phát triển. Thế nhưng, bức tranh đó vẫn chưa rõ ràng. Sự tăng trưởng hồi phục chủ yếu ở một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là xuất khẩu. Công nghiệp và xuất khẩu thì bị chi phối, còn DN trong nước, đặc biệt DN vừa và nhỏ lại hết sức khó khăn.

Trong năm qua, nông nghiệp tăng trưởng chậm lại đáng kể: xuất khẩu giảm, mức tăng âm. Còn về dịch vụ, cách đây 3 năm, khi gia nhập WTO, mức tăng trưởng cao hơn kinh tế thế giới nhưng 2 năm trở lại đây lại thấp hơn mức tăng trưởng trung bình. Do đó, nó không còn là đầu kéo cho tăng trưởng nữa. Trong khi đó, dư địa chính sách, đặc biệt chính sách vĩ mô, tiền tệ, tài khóa của chúng ta còn rất hạn hẹp…

Như vậy có thể khẳng định chúng ta có nhiều điểm yếu. Chỉ so sánh Việt Nam trong chỉ số con so với Lào là phát triển cụm công nghiệp ngành và năng lực marketing, thì Việt Nam với định hướng phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đến 2020 đã cả chục năm, vẫn thua sau Lào là một quốc gia chưa vượt chúng ta về thu hút đầu tư FDI và phát triển công nghiệp. Cũng như, trong thời buổi mà hàm lượng giá trị chất xám sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sáng tạo, Việt Nam lại còn kém cỏi về marketing.

Những so sánh này thực sự Việt Nam cần xem xét lại mình. Do vậy, để không bị mang tiếng là kém cỏi, vượt mặt có lẽ Việt Nam cũng cần phải học ngay cả những quốc gia đựoc coi là “kém cỏi” hơn mình…

Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải học hỏi các quốc gia ngay sát nách, chứ chưa bàn tới thị trường mở rộng hay các DN ở những quốc gia xa xôi…

– Vậy chúng ta cần có những giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn trước mắt? Để không bị các nước láng giềng vượt mặt, thưa ông?

Theo tôi, trước hết chính sách tiền tệ phải được cân bằng, giữ ổn định thành quả kinh tế vĩ mô. Việt Nam làm sao phải cân bằng việc lãi suất, tính toán sao cho tương thích với sức ép mất giá đối với đồng tiền Việt Nam.

Chính sách tài khóa thâm hụt đang lớn dần, nhờ phục hồi có thể khá hơn chút. Nhưng một phần đóng góp rất lớn vào ngân sách là dầu thô lại đang giảm. Hạch toán Quốc hội đã thông qua là 60 USD một thùng nhưng hiện tại chỉ 30-35 USD một thùng.

Trong khi đó, nợ công vẫn tiếp tục gia tăng. Việt Nam vẫn phải dành một khoản rất lớn trong trái phiếu để trả nợ trước. Như vậy, còn đâu dư địa hỗ trợ cho quá trình phục hồi phát triển nền kinh tế.

Song quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế. Điều quan trọng nhất của Việt Nam là tận dụng được cơ hội. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất. Muốn tận dụng được cơ hội thì vai trò Nhà nước là rất lớn và nỗ lực của DN là rất cao. Trong đó, Nhà nước phải chuyên nghiệp, minh bạch và có tính xây dựng hơn. Còn DN phải thích ứng về mặt tuân thủ những đòi hỏi, tiêu chuẩn, cam kết mới.

Thách thức là đem lại lợi ích và tạo ra chất xúc tác mạnh cho nền phát triển. Song, trong ngắn hạn, không phải ai cũng sẽ tốt lên. Một số doanh nghiệp, người lao động sẽ phải chịu tác động tiêu cực do cạnh tranh, chưa đủ năng lực đáp ứng, chưa kịp chuyển đổi thích ứng.

Song cũng có nhiều cách giảm thiểu tác động tiêu cực. Theo đó, đứng về DN, với sân chơi rộng mở, họ phải có nỗ lực, tìm cách chuyển đổi. Đặc biệt trong lĩnh vực khó khăn, DN phải tự tìm ra những nhánh vẫn còn lợi thế so sánh. Nhà nước có thể hỗ trợ tài chính, đào tạo, thông tin để quá trình chuyển dịch, tìm kiếm cơ hội mới bớt khó khăn, nhọc nhằn hơn.

Trong năm 2016, ngành được kỳ vọng nhất với sự tăng trưởng hồi phục là một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là xuất khẩu. Đây là những chỉ dấu cho thấy trong cuộc cạnh tranh của thị trường hẹp thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải học hỏi các quốc gia ngay sát nách, chứ chưa bàn tới thị trường mở rộng hay các DN ở những quốc gia xa xôi…

Bộ Công Thương lên tiếng về đa cấp Liên kết Việt

Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương Bạch Văn Mừng lên tiếng về một số vấn đề xung quanh hoạt động bán hàng đa cấp của công ty Liên Kết Việt.

Theo vị lãnh đạo Cục QLCT, đơn vị này "đã chủ động thực hiện hậu kiểm Công ty Liên kết Việt từ rất sớm".

Cụ thể, sau khi Công ty Liên kết Việt được cấp đăng ký hoạt động, Cục QLCT đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty vào ngày 15/7/2015, chỉ 7 tháng sau khi cấp GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho công ty.

Cục QLCT sau đó đã tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh đối với Công ty Liên kết Việt.

Căn cứ kết quả điều tra, Cục trưởng Cục QLCT đã ban hành Quyết định xử phạt công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định 42/2014 và Thông tư 24/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Cụ thể, các sai phạm của công ty này bao gồm: vi phạm các nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động bán hàng đa cấp ở một số tỉnh/thành phố, nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động hội nghị, hội thảo, nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia, nghĩa vụ báo cáo định kỳ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định. 

Công ty này không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 

Liên kết Việt còn cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm;

Công ty cũng không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia thực hiện đúng Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng của doanh nghiệp, duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp. 

Bộ Công Thương lên tiếng về đa cấp Liên kết Việt
Đại diện công ty Liên Kết Việt. Ảnh: VTV. 

"Cục đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Liên kết Việt với số tiền phạt rất lớn", ông Mừng cho biết. 

Cũng theo ông Mừng, "ngay sau khi hậu kiểm Công ty Liên kết Việt, Cục QLCT đã tích cực phối hợp chặt chẽ với C46 - Bộ Công an điều tra hoạt động của công ty này".

Đầu tháng 11 năm 2015, Cục QLCT đã phối hợp với C46 - Bộ Công an và Công an quận Cầu Giấy kiểm tra hoạt động của Công ty Liên kết Việt tại trụ sở công ty và đã có nhiều buổi làm việc với đại diện công ty tại trụ sở Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương và Bộ Công an để làm rõ các nội dung liên quan. Sau đó, Cục QLCT đã bàn giao hồ sơ kiểm tra Công ty Liên kết Việt cho C46. Trong quá trình Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an điều tra vụ việc Cục QLCT đã phối hợp cung cấp các tài liệu và phối hợp xác minh thêm thông tin liên quan đến Công ty Liên kết Việt. 

Căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với một số thành viên của Ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt.

Tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số thành viên ban lãnh đạo công ty Liên kết Việt. 

Trước đó, công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10 tháng 02 năm 2014. Sau khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực (từ  ngày 1 tháng 7 năm 2014), việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục QLCT). 

Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã nâng cao các điều kiện đăng ký hoạt động so với trước đây để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kèm. Tuy nhiên, Nghị định 42/2014/NĐ-CP không giới hạn số lượng doanh nghiệp được đăng ký hoạt động, đồng thời cũng quy định rất rõ ràng, minh bạch các điều kiện để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Theo đó, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 42/2014/NĐ-CP đều được đăng ký hoạt động. 

Ngày 21/10/2014, Công ty Liên kết Việt nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Cục QLCT theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Sau khi thẩm định hồ sơ, do Công ty Liên kết Việt đáp ứng được các quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Cục QLCT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 006/QLCT-GCN cho Công ty Liên kết Việt ngày 22/12/2014. 

Thêm chiêu mới của bán hàng đa cấp

Ngay sau khi nhiều công ty đa cấp bị bóc mẽ thì có nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về những biến tướng mới của đa cấp, với cách thức hoạt động tinh vi và tính toán hơn trước.


Bộ Công thương lên tiếng về đa cấp Liên kết Việt

Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương Bạch Văn Mừng lên tiếng về một số vấn đề xung quanh hoạt động bán hàng đa cấp của công ty Liên Kết Việt.

Theo vị lãnh đạo Cục QLCT, đơn vị này "đã chủ động thực hiện hậu kiểm Công ty Liên kết Việt từ rất sớm".

Cụ thể, sau khi Công ty Liên kết Việt được cấp đăng ký hoạt động, Cục QLCT đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty vào ngày 15/7/2015, chỉ 7 tháng sau khi cấp GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho công ty.

Cục QLCT sau đó đã tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh đối với Công ty Liên kết Việt.

Căn cứ kết quả điều tra, Cục trưởng Cục QLCT đã ban hành Quyết định xử phạt công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định 42/2014 và Thông tư 24/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Cụ thể, các sai phạm của công ty này bao gồm: vi phạm các nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động bán hàng đa cấp ở một số tỉnh/thành phố, nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động hội nghị, hội thảo, nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia, nghĩa vụ báo cáo định kỳ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định. 

Công ty này không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 

Liên kết Việt còn cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm;

Công ty cũng không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia thực hiện đúng Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng của doanh nghiệp, duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp. 

Bộ Công thương lên tiếng về đa cấp Liên kết Việt
Đại diện công ty Liên Kết Việt. Ảnh: VTV. 

"Cục đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Liên kết Việt với số tiền phạt rất lớn", ông Mừng cho biết. 

Cũng theo ông Mừng, "ngay sau khi hậu kiểm Công ty Liên kết Việt, Cục QLCT đã tích cực phối hợp chặt chẽ với C46 - Bộ Công an điều tra hoạt động của công ty này".

Đầu tháng 11 năm 2015, Cục QLCT đã phối hợp với C46-Bộ Công an và Công an Quận Cầu Giấy kiểm tra hoạt động của Công ty Liên kết Việt tại trụ sở Công ty và đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty tại trụ sở Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương và Bộ Công an để làm rõ các nội dung liên quan. Sau đó, Cục QLCT đã bàn giao hồ sơ kiểm tra Công ty Liên kết Việt cho C46. Trong quá trình Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an điều tra vụ việc Cục QLCT đã phối hợp cung cấp các tài liệu và phối hợp xác minh thêm thông tin liên quan đến Công ty Liên kết Việt. 

Căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với một số thành viên của Ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt.

Tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số thành viên ban lãnh đạo công ty Liên kết Việt. 

Trước đó, công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10 tháng 02 năm 2014. Sau khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực (từ  ngày 1 tháng 7 năm 2014), việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục QLCT). 

Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã nâng cao các điều kiện đăng ký hoạt động so với trước đây để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kèm. Tuy nhiên, Nghị định 42/2014/NĐ-CP không giới hạn số lượng doanh nghiệp được đăng ký hoạt động, đồng thời cũng quy định rất rõ ràng, minh bạch các điều kiện để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Theo đó, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 42/2014/NĐ-CP đều được đăng ký hoạt động. 

Ngày 21/10/2014, Công ty Liên kết Việt nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Cục QLCT theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Sau khi thẩm định hồ sơ, do Công ty Liên kết Việt đáp ứng được các quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Cục QLCT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 006/QLCT-GCN cho Công ty Liên kết Việt ngày 22/12/2014. 

Thêm chiêu mới của bán hàng đa cấp

Ngay sau khi nhiều công ty đa cấp bị bóc mẽ thì có nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về những biến tướng mới của đa cấp, với cách thức hoạt động tinh vi và tính toán hơn trước.


Tan cửa, nát nhà vì đa cấp

Qua vụ một số cá nhân 
của Công ty Liên Kết Việt bị khởi tố điều tra cho thấy tình trạng biến tướng của mô hình bán hàng đa cấp đang diễn biến khá phức tạp.

Hàng chục nghìn người đang bị cuốn trong vòng xoáy này gây ra nhiều hệ lụy...

Với tính chất trong thời gian ngắn có thể xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, lôi kéo được số đông nhanh chóng, các công ty làm ăn bất chính đã lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền giá trị lớn.

Tan cửa, nát nhà vì đa cấp

Công an, quản lý thị trường tỉnh Gia Lai niêm phong, thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp tại cơ sở kinh doanh Thiên Ngọc III (đường Phạm Văn Đồng, TP Pleiku). Cơ sở này là một chân rết trong mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.

1 gói trà, 4 gói cà phê giá... hơn 36 triệu đồng

Phổ biến trong bán hàng đa cấp lừa đảo hiện nay là các công ty kinh doanh đa cấp nhưng không khuyến khích cá nhân đi bán hàng mà chỉ khuyến khích mua hàng từ công ty. Với cách thức này, chỉ có công ty có lợi vì bán được hàng, thu được tiền, còn người tham gia thiệt hại do không nắm được chính xác thông tin nên mất tiền đầu tư vào hàng hóa nhưng lại không tiêu thụ được.

Theo ông A Thẳng - Chủ tịch UBND xã Đắk Kroong (Đắk Glei, Kon Tum), tình trạng bán hàng đa cấp bắt đầu nổi lên từ năm 2011. Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (có văn phòng tại TP Kon Tum) đưa xe chở hàng về rao bán cho người dân. Để tham gia đường dây này, người dân mua một gói hàng (chủ yếu là đồ điện tử) giá từ 4-5 triệu đồng trở lên sẽ được cấp thẻ thành viên. Khi được trở thành thành viên của công ty, người mua hàng được quyền giới thiệu những người kế tiếp mua hàng, nếu giới thiệu thành công, thành viên ban đầu được hưởng 20-28% hoa hồng trên tổng giá trị sản phẩm do mình vận động được.

Tại xã Đắk Kroong có hai người là ông A Niêng và A Nuông được một công ty đa cấp “phong” chức phó phòng và trưởng phòng. Ông A Niêng cho hay đã bỏ ra gần 5 triệu đồng mua một nồi cơm điện và bếp hồng ngoại có xuất xứ từ Trung Quốc để làm thành viên của công ty. Tình trạng người dân bị lôi kéo, chấp nhận mua hàng với giá trên trời để được vào chuỗi bán hàng đa cấp cũng xảy ra ở các xã khác.

Theo Phòng kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei, hầu hết mặt hàng mà các công ty bán hàng đa cấp đưa về tại các xã vùng cao có đông người dân tộc Giẻ Triêng là đồ điện gia dụng, như: bếp từ, nồi cơm điện, máy lọc nước nano... Qua kiểm tra, cơ quan chức năng kết luận nhiều mặt hàng được bán cho dân với giá rất cao. Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei, bức xúc: “Có sản phẩm giá thị trường chỉ khoảng 1 triệu đồng, họ đưa về bán giá hàng chục triệu đồng. Người dân cứ thấy quảng cáo về lợi nhuận là mua, tham gia”.

Dù cơm ăn chưa no, con cái đi học không có tiền đóng nhưng trước bẫy đa cấp, nhiều người dân ở các làng sẵn sàng bán tài sản, mua những món đồ giá trên trời với mục đích cuối cùng là được làm thành viên của công ty đa cấp nào đó. Ông A Lan ở làng Kon Riêng (xã Đắk Choong, Đắk Glei) lục trong nhà lôi ra bốn gói cà phê và một gói trà rồi nói rằng số tiền phải trả cho số sản phẩm này là 36,6 triệu đồng.

Ông A Lan kể trước đó có ông anh họ bán hàng của công ty nào đó rỉ tai mua số cà phê này để tham gia góp vốn kinh doanh chuỗi cửa hàng, siêu thị rất to ở thành phố. Ông A Lan bán tài sản để mua sản phẩm và được cấp một thẻ VIP kèm theo lời hứa: “Sau 9 tháng được công ty trả 99 triệu tiền lợi tức kèm theo tiền vốn ban đầu”. Ông Nguyễn Văn Sơn nói: “Cái này chúng tôi kiểm tra rồi, đúng là giá họ bán 36,6 triệu như thế. Có hóa đơn chứng từ”.

Trong báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum gửi Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương cũng khẳng định các mặt hàng đa cấp được bán về cho dân ở Kon Tum có giá rất cao, không phù hợp với nhu cầu sử dụng và cũng chưa hề được kiểm chứng. UBND tỉnh Kon Tum cũng đặt hoài nghi về tính pháp lý trong việc xác nhận giá từ các cơ quan có thẩm quyền.

UBND tỉnh cũng đề xuất phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này, đồng thời đề xuất với Ban chỉ đạo 389 mở chuyên án điều tra, đưa ra ánh sáng các tổ chức doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng bán hàng đa cấp để trục lợi. Theo thống kê, năm 2014 tỉnh Kon Tum chỉ có một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp thì năm 2015 đã có tới 19 doanh nghiệp, lôi kéo 4.190 người dân tham gia.

Tan cửa, nát nhà vì đa cấp

Để được là thành viên bán hàng đa cấp, ông A Tria (trái), ở xã Xốp, Đắk Glei, Kon Tum, phải mua chiếc bếp từ của Trung Quốc với giá 5 triệu đồng.

“Làm giàu nhanh chóng”

Cung cấp những mặt hàng kém chất lượng hoặc không có giá trị sử dụng để bán với giá trên trời sau đó thổi phồng tính năng của sản phẩm, người tham gia mạng lưới không hưởng được lợi ích từ việc bán sản phẩm mà miễn sao lôi kéo người khác tham gia càng nhiều thì hoa hồng càng lớn, là hình thức phổ biến của các công ty bán hàng đa cấp lừa đảo thực hiện ở VN thời gian qua.

Các công ty dạng này không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà chỉ đánh vào lòng tham của người tham gia. Tại những buổi hội thảo đào tạo, thay vì tập trung giới thiệu sản phẩm thì những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp được “tiêm” những hứa hẹn về tương lai giàu có, mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng mà không cần phải làm gì.

Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN, thừa nhận bất kỳ mô hình bán hàng đa cấp nào cho phép người tham gia nhận tiền nhưng không có hàng hóa, có hàng hóa nhưng không đi bán hoặc tuyển người về không bán hàng mà vẫn nhận được tiền đều là bất chính.

Trong bán hàng đa cấp, hoa hồng chỉ được trả khi có bán hàng, có tuyển dụng người để tham gia bán hàng. Rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng người đến mua hàng và trả tiền tuyển dụng cho người đi tuyển dụng mà không khuyến khích việc bán hàng.

Một điểm nhận diện rõ bán hàng đa cấp bất chính nữa là người tham gia không được phép trả lại hàng hóa, trong khi về nguyên tắc người tham gia có quyền đổi, trả lại hàng hóa, lấy lại tiền trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua và nhận được hàng mà không cần lý do. Cá biệt hơn, có doanh nghiệp bán hàng không giao hàng nhưng lại yêu cầu người tham gia ký vào phiếu xuất kho để lừa gạt.

Huy động vốn cũng... đa cấp

Theo nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh không phải là mua bán hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thế nhưng, tình trạng biến tướng kêu gọi đầu tư tài chính, mô hình giống Công ty Liên Kết Việt gần đây lại rất phổ biến và đây cũng là hình thức để lại hậu quả nặng nề nhất.

Ông T., nhà ở quận Tân Bình (TP HCM), cho hay cách đây không lâu gần nhà ông mọc lên một cơ sở bấm huyệt. Dù biển hiệu là massage, bảo dưỡng sức khỏe nhưng thực chất là huy động vốn đa cấp. Từng vào công ty này, ông T. kể công ty chỉ có hai phòng massage với vài nhân viên nhưng bán rất nhiều “mã”. Mỗi mã trị giá 11,8 triệu đồng, khách được hưởng 12 lần bấm huyệt, tính ra gần 1 triệu đồng/suất.

Vì vậy dù mua nhưng ít ai sử dụng dịch vụ mà chủ yếu muốn lấy lợi nhuận. Lợi nhuận bắt đầu trả lần đầu tiên sau 6-8 tháng, với mức 500.000 đồng. Lần 2 sau 12-16 tháng, mức 4,5 triệu đồng và lần 3 là sau khoảng 2 năm, với mức 20 triệu đồng. Tổng cộng nhà đầu tư bỏ ra 11,8 triệu sẽ nhận lại được 25 triệu đồng trong vòng 2 năm.

Hiện hoạt động huy động vốn đa cấp đã mở rộng ra nhiều hình thức, ngoài bán suất massage, chăm sóc sắc đẹp còn bán cả thực phẩm chức năng, trong đó đối tượng được nhắm đến chủ yếu là người già, bà nội trợ, người buôn bán nhỏ... Ông A. (quận Phú Nhuận) cho biết từng bị dụ mua thực phẩm chức năng hết 4,7 triệu đồng nhưng sau đó không sử dụng được mà cũng không bán lại được cho ai.

Tại Kon Tum, công an thành phố này cũng xác nhận hiện có hàng trăm người dân ở Đắk Tô, Ngọc Hồi, TP Kon Tum tham gia góp vốn đa cấp với số tiền hàng tỉ đồng ở nhiều hình thức huy động vốn. Phương thức chủ yếu là các đơn vị huy động vốn sẽ tổ chức ký hợp đồng với người dân và cấp một mã số. Cứ giới thiệu được một người vào đường dây, người giới thiệu sẽ được hưởng 10% giá trị hợp đồng và hưởng theo cấp số nhân tương ứng với số người lôi kéo được... Trong số người tham gia có cả cán bộ nhà nước, viên chức, giáo viên...

Theo các chuyên gia, đây là một dạng biến tướng của bán hàng đa cấp, các công ty này không quan tâm đến hàng hóa, không trao đổi, tiếp thị để bán hàng mà chỉ huy động tài chính kêu gọi đầu tư nhiều mã sản phẩm để được hưởng lãi suất cao mà không cần lao động. Chiêu thức hiện nay của các công ty đa cấp là núp dưới vỏ bọc mua bán hoặc cung cấp một sản phẩm, dịch vụ nào đó để thu hút vốn. Họ không có bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào với nhà đầu tư mà chỉ có các phiếu thu, đơn đặt hàng. Điểm chung của hầu hết các đơn vị này là quảng cáo về những khoản chi hoa hồng khổng lồ.

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh - Đoàn luật sư TP HCM, việc các công ty đa cấp bịa ra các đơn hàng để huy động vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Huy động vốn của nhiều người mà chỉ cấp phiếu thu, biên nhận thì pháp luật không thừa nhận và nhà đầu tư không phải thành viên của doanh nghiệp đó. Đây chỉ là hình thức nhà đầu tư cho doanh nghiệp mượn tiền. Cũng theo ông Thạnh, các phiếu thu, đơn đặt hàng chỉ có giá trị pháp lý đối với doanh nghiệp đó. Trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng chi trả, nhà đầu tư coi như mất toàn bộ.

Một đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, về mặt pháp lý, các công ty này không được phép vì không có chức năng huy động vốn và trả lãi như ngân hàng, vì đây là loại hình dịch vụ bị cấm không cho kinh doanh đa cấp.

Cần xử lý hình sự

Theo ông Phan Đức Quế - Trưởng phòng điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh, qua các vụ bị xử lý hình sự như MB 24, Colony Invest, Tâm Mặt Trời... các doanh nghiệp này đều lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi, các đối tượng vi phạm không phải là các doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp thật sự.

Nhìn lại vụ lừa đảo ở Công ty Liên Kết Việt với số người tham gia lên tới 45.000 người, giá trị lừa đảo tới 1.900 tỷ đồng, ông Quế cho rằng, hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện bởi hệ thống có nhiều cấp, nhiều nhánh nên số lượng người tham gia thường rất lớn. Nhiều người dân mong muốn kiếm tiền nhanh chóng nên dễ dàng bị dụ dỗ. Thậm chí, nhiều người mặc dù biết các mô hình này là bất chính nhưng vì lợi nhuận họ vẫn tham gia.

Việc xử lý các đơn vị này, bà Trương Thị Nhi cho rằng các hành vi vi phạm cũng phức tạp vì nhiều doanh nghiệp vi phạm lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp nên có sự chồng chéo giữa cơ quan cấp phép và cơ quan công an. Mặt khác, đối tượng người bị hại không có nơi cư trú ổn định và rất đông nên việc thụ lý điều tra gặp nhiều khó khăn.

“Từ những vụ việc vừa qua, Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan cần hoàn thiện Luật kinh doanh đa cấp và đưa tội danh vi phạm bán hàng đa cấp vào Bộ luật hình sự để răn đe. Có như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh bất chính sẽ không còn cơ hội để tồn tại” - bà Nhi nói.

Công ty Liên Kết Việt từng bị phạt 570 triệu đồng

Liên quan đến việc một số cá nhân Công ty Liên Kết Việt vừa bị khởi tố điều tra, ông Bạch Văn Mừng, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, xác nhận cơ quan này đã cấp giấy phép hoạt động cho công ty này. Cục Quản lý cạnh tranh từng tiến hành hậu kiểm công ty vào ngày 15/7/2015. Kết quả, cục đã phát hiện Liên Kết Việt vi phạm hàng loạt quy định như: không thực hiện nghĩa vụ thông báo về hoạt động hội nghị, hội thảo; vi phạm về nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia; cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm...

Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã xử phạt Liên Kết Việt số tiền 570 triệu đồng. “Như vậy, Cục Quản lý cạnh tranh đã chủ động thực hiện hậu kiểm và đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Liên Kết Việt” - ông Mừng nói.

* Ông Phan Đức Quế  (Trưởng phòng điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh):

Tiếp tục quản lý chặt bán hàng đa cấp

Mô hình bán hàng đa cấp hiện được thừa nhận rộng rãi tại trên 170 quốc gia. Cũng tương tự một số nước trên thế giới ở giai đoạn đầu phát triển, bên cạnh mặt tích cực, bán hàng đa cấp tại VN cũng có tiêu cực. Để ngăn ngừa được những hiện tượng biến tướng của bán hàng đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh đã tham vấn cho Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Thực tế, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm... Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa cần phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và toàn thể xã hội. Và hơn ai hết, người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ mình, cần tìm hiểu kỹ về pháp luật cũng như loại hình kinh doanh này để tránh bị lợi dụng bởi dấu hiệu nhận biết đa cấp bất chính không phải quá khó. Thực tế, Cục Quản lý cạnh tranh đã đưa danh sách những doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cấp phép lên trang web, ai truy cập cũng có thể biết ngay danh sách.

1,4 triệu người tham gia bán hàng đa cấp

Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN, đến hết năm 2015 cả nước có 67 công ty được cấp phép bán hàng đa cấp, trong đó có 2 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động nên hiện còn 65 doanh nghiệp, trong đó 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2015, theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu toàn ngành đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2015 là có 1,4 triệu người trở thành nhà phân phối với số tiền hoa hồng chi trả khoảng 2.100 tỷ đồng. Theo bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN, Công ty Liên Kết Việt và Công ty Thiên Ngọc Minh Uy từng là thành viên của hiệp hội. Từ cuối tháng 12/2015, do vi phạm quy chế và điều lệ của hiệp hội nên hai doanh nghiệp này đã bị xóa tên.