Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Xăng tăng giá từ 16h30

Mức tăng áp dụng đối với xăng là 670 đồng mỗi lít, thấp hơn nhiều so với dự đoán khi không xả quỹ bình ổn.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh, giá xăng từ 16h30 sẽ tăng thêm 670 đồng mỗi lít. Giá một số nhiên liệu khác cũng tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng thêm 290 đồng. Dầu hỏa, mazut giữ nguyên. 

Mức trích quỹ bình ổn cũng tăng mạnh, để giảm áp lực lên mức tăng. Cụ thể, xăng RON 92 được trích quỹ 1.047 đồng, xăng E5 1.115 đồng/lít, dầu diesel 983 đồng. 

Lịch điều chỉnh giá xăng lẽ ra áp dụng từ 19/3, tuy nhiên, vì các cơ quan chờ phương án tính giá cơ sở mới, nên lịch lùi lại.

Trước đó, thông tin từ một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối ở TP HCM cũng xác nhận, các đầu mối đã nhận được thông báo từ cơ quan điều hành về lịch điều chỉnh giá. Theo đó, dù đã đến kỳ, nhưng trong ngày hôm nay (19/3), nhiên liệu này chưa có giá mới. Phải đến đầu tuần tới (từ ngày 21/3), thông tin chi tiết mới được công bố.

Các dự đoán về biên độ điều chỉnh trong tuần trước đều xoay quanh mốc từ 1.000 đồng đến 1.700 đồng, tuy vào việc liên Bộ sẽ sử dụng quỹ bình ổn bao nhiêu. Dù phiên điều chỉnh trước đó, liên Bộ đã lựa chọn xả quỹ để bù toàn bộ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá thế giới, nhưng do chênh lệch lần này khá lớn, nên các doanh nghiệp đều cho rằng giá trong nước điều chỉnh tăng sẽ phù hợp hơn với xu thế thế giới.

Theo thống kê mới nhất của trang giá dầu toàn cầu (Global Petrol Prices), qua nhiều lần điều chỉnh giá giảm gần đây, giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn trung bình thế giới khoảng 18%. Mức giá xăng Việt Nam trung bình tại thời điểm 14/3/2016 là 0,66 USD/lít (cao hơn so với mức 0,65 USD/lít hồi 29/2/2016). Trong khi đó, giá xăng dầu trung bình của thế giới hiện nay là 0,9 USD/lít (giữ giá so với hôm 29/2/2016).

Kể từ ngày 19/10/2015, giá xăng dầu đã có tới 10 lần liên tiếp không tăng. Mức giảm cao nhất trong vòng 5 tháng qua là 961 đồng vào ngày 18/2, và thiết lập vùng đáy trong vòng 7 năm. Trong những lần điều chỉnh trước đo, giá xăng giảm trung bình từ 136 đồng tới 771 đồng.

Chứng khoán châu Á giảm sau 3 tuần tăng liên tiếp

Hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á giảm vào hôm 21/3 do giá dầu xuống khiến những nhà đầu tư thận trọng.

Tuy nhiều chỉ số trên bảng điện tử tại các sàn châu Á chuyển sắc đỏ nhưng mức độ tổn thất khá ít do các nhà đầu tư hy vọng rằng Trung Quốc có thể sớm cắt lãi suất một lần nữa, nhằm giảm áp lực cho đồng nhân dân tệ, Reuters đưa tin.

Những biến động của thị trường dầu thô, sự giảm giá hàng hoá và Trung Quốc chững bước tăng trưởng ảnh hưởng đến thị trường tài chính trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần trước khiến giới quan sát tăng thêm lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Chứng khoán châu Á giảm sau 3 tuần tăng liên tiếp
Bảng điện tử bên ngoài một sàn chứng khoán ở thành phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, MSCI châu Á Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,1%. Chỉ số S&P/ ASX200 của Australia giảm 0,3% và Kospi tại Seoul giảm 0,1%. Nhật Bản đang trong thời gian nghỉ lễ.

Cùng với châu Á, cổ phiếu châu Âu cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,33% về mức 6.169,05 điểm. DAX của Đức giảm 0,45%, về mức 9.905,78 điểm và Swiss Market Index của Thuỵ Sĩ giảm 0,03% về mức 7.811,67 điểm.

“Các thị trường mới nổi đang nghiêng về xu thế suy yếu tiềm ẩn”, Frances Cheung, chuyên gia kinh tế tại Societe Generale ở Hong Kong, nói.

Cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong tăng nhưng các thị trường chứng khoán khác trong khu vực chịu tổn thất.

Giá dầu giảm trong phiên thứ 2, tiếp tục theo xu hướng giảm từ hôm 18/3, sau khi các giàn khoan ở Mỹ tăng sản lượng lần đầu tiên kể từ tháng 12.

Giá dầu WTI CLc1 giảm hơn 1%, xuống còn 38,85 USD một thùng sau khi đạt mức 41 USD một thùng trong thời gian ngắn, cao nhất kể từ cuối tháng 12.

Dầu thô LCOc1 giảm xuống 40,89 USD một thùng sau khi chạm mốc 42,54 USD một thùng.

Nợ xấu còn 2,55%, đã giảm 20 tổ chức tín dụng

Thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, tính đến cuối năm 2015, 20 tổ chức tín dụng đã giảm. Nợ xấu hệ thống cũng được đưa về 2,55%.

Tính đến cuối năm 2015, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng giảm còn 2,55%, đã giảm 20 tổ chức tín dụng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép. Thị trường tài chính có bước phát triển; mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 33%, thị trường trái phiếu đạt 23% GDP.

Đây là một trong những nội dung Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày sáng nay.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế. Phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Nợ xấu còn 2,55%, đã giảm 20 tổ chức tín dụng
Báo cáo của Chính phủ cho biết nợ xấu đã được đưa về 2,55%, tính đến cuối 2015. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Tính đến 31/12/2015, VAMC đã mua được 107.000 tỷ đồng, giá trị trái phiếu 99.180 nghìn tỷ, vượt chỉ tiêu đề ra. Lũy kế từ năm 2013 đến hết năm 2015, tổng nợ xấu VAMC đã mua là 245.000 tỷ đồng dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 207 nghìn tỷ góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.

Báo cáo cũng cho biết, giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Kết quả, 558 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó cổ phần hóa 478, đạt 93% kế hoạch. Doanh nghiệp nhà nước tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, quốc phòng, an ninh, cung ứng hàng hoá và dịch vụ công thiết yếu.

Quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống pháp luật về DNNN được hoàn thiện, xác định rõ quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và công khai, minh bạch hoạt động. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.

Tổng tài sản của DNNN (theo báo cáo của công ty mẹ) năm 2015 tăng khoảng 36% so với năm 2010, vốn chủ sở hữu tăng 62%, doanh thu tăng 18%, lợi nhuận trước thuế tăng 56%; theo báo cáo hợp nhất tổng tài sản tăng 26%, vốn chủ sở hữu tăng 57%, doanh thu tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 16%.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, hạn chế như “thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đồng bộ. Tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước nhiều mặt còn hạn chế. Đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí ở một số dự án còn lớn; nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao.

Chất lượng tín dụng cải thiện còn chậm, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, chưa thực chất. Năng lực tài chính, quản trị của một số tổ chức tín dụng còn yếu. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ vốn được cổ phần hoá còn thấp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tài sản và nguồn lực được giao”.


Lãi USD trong nước 0%, sao ngân hàng vẫn phải vay nước ngoài

“Tại sao trong bối cảnh lãi suất USD huy động trong nước là 0%, một ngân hàng Việt Nam lại phải đi vay ngoại tệ từ nước ngoài?”, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy nêu câu hỏi.

Ông Thúy xem đây “là cả một vấn đề”.

Hội thảo trên diễn ra ngay sau thông tin Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa ký xong khoản vay 200 triệu USD với 18 ngân hàng nước ngoài.

Lãi USD trong nước 0%, sao ngân hàng vẫn phải vay nước ngoài

Với thị trường trong nước, để một lúc huy động được lượng lớn ngoại tệ, đặc biệt là trung dài hạn, doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn, rất khó thành công

Một sự chối bỏ?

Tại đây, ông Thúy nhấn mạnh thêm: “Chúng ta vay 200 triệu USD, lãi suất là bao nhiêu? Tại sao phải đi vay khi lãi suất huy động ở Việt Nam là 0%, tức lãi vay trong dân là 0. Nhà kinh doanh không bao giờ đi vay mà bỏ chỗ lãi suất rẻ để đi tìm nơi có lãi suất cao, nhưng họ lại phải đi vay tới 200 triệu USD. Đây là cả một vấn đề”.

Từ thực tế trên, liệu có phải nguồn vốn ngoại tệ trong nước phải chăng đang bị “vô cảm” trước gánh nặng mà doanh nghiệp và ngân hàng thương mại phải đi ra nước ngoài vay vốn?

Đáng chú ý, năm nay, dự kiến Chính phủ cũng sẽ lên kế hoạch để có thể đi vay quốc tế khoảng 3 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu.

Hiện lãi vay cụ thể khoản 200 triệu USD nói trên của VietinBank không được tiết lộ. Trước đây ngân hàng này cũng từng đi vay như vậy với lãi suất lên tới 8%/năm. Những đợt huy động bằng trái phiếu quốc tế của Chính phủ trước đây cũng phải chịu lãi suất trong khoảng 5-8%/năm…

Trong khi đó, như vấn đề nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đặt ra ở trên, lãi suất huy động USD trong nước thì 0%/năm, theo trần quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Câu hỏi chung đặt ra: phải chăng cơ chế trần và mức lãi suất tiền gửi USD 0%/năm hiện nay là một sự chối bỏ đối với nguồn lực vốn ngoại tệ trong nước, hay cơ chế lãi suất đó đã không huy động được nguồn lực này, khiến doanh nghiệp, ngân hàng và Chính phủ phải đi vay nước ngoài với chi phí cao?

Nội địa khó đáp ứng

Trả lời câu hỏi trên, VnEconomy đã tìm hiểu cụ thể về khoản vay của VietinBank.

Lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hiện tại VietinBank không thiếu hụt ngoại tệ. Khoản vay trên gắn với nhu cầu và tính toán riêng của họ.

Hỏi trực tiếp lãnh đạo VietinBank, Tổng giám đốc Lê Đức Thọ cho hay, khoản vay 200 triệu USD vừa qua nhằm mục đích cân đối nhu cầu vốn, đã được tính toán và đàm phán với các đối tác để có lãi suất hợp lý.

“Đây là khoản vay dài hạn, điều mà để huy động trong nước gần như là rất khó”, ông Thọ giải thích.

Tham vấn thêm ý kiến chuyên gia, nhận định tương tự cũng được nhấn mạnh, như lý giải cho sự “vô cảm” của nguồn vốn ngoại tệ trong nước, không chỉ hiện nay mà suốt chiều dài vận động của cơ chế chính sách và lãi suất trong nhiều năm trước đây.

“Vấn đề ở đây đơn giản thôi. Với thị trường trong nước, để một lúc huy động được lượng lớn ngoại tệ, đặc biệt là trung dài hạn, doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn, rất khó thành công”, một chuyên gia trả lời VnEconomy.

Ông dẫn thực tế, nhiều năm trước, lãi suất huy động USD từng lên tới 6,5-7%/năm, nhưng nguồn vốn gửi các kỳ hạn dài có tỷ trọng rất thấp. Phần lớn nguồn tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư chỉ ở các kỳ hạn ngắn, độ lỏng lớn.

Năm 2015, thị trường ghi nhận sự kiện lần đầu tiên Chính phủ huy động được 1 tỷ USD từ đầu mối Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tuy nhiên, nỗ lực nội địa này là hữu hạn, chịu ràng buộc nhạy cảm với ổn định của thị trường và tỷ giá trên cơ sở cân đối cung - cầu ngoại tệ…

Kích thích chuyển đổi

Tình huống khác đặt ra, giả dụ VietinBank hay Chính phủ chào lãi suất huy động cao vẫn có thể huy động được vốn ngoại tệ nội địa, trong dân cư và doanh nghiệp, với yêu cầu trung dài hạn. Dù vậy, lãi suất huy động cao đối với USD lại đi ngược với mong muốn chính sách hiện nay.

Trước hết, nếu áp lãi suất huy động USD cao trở lại, có thể tiên lượng sự ổn định tỷ giá hiện nay và mục tiêu dài hơn dễ bị phá vỡ, tâm lý găm giữ ngoại tệ càng cô đặc, thị trường và thanh khoản ngoại tệ dễ rơi vào ngột ngạt và bất thường.

Vậy, nếu cứ áp cơ chế trần lãi suất tiền gửi USD với 0% hiện nay có phải là một sự chối bỏ một nguồn lực?

Theo chuyên gia VnEconomy tham vấn, trả lời câu hỏi trên cần đặt trong tổng thể các mục tiêu, các giải pháp đồng bộ khác của chính sách.

Trực tiếp nhất, trần lãi suất 0%/năm nhằm đánh vào lợi ích nắm giữ ngoại tệ, kích thích chuyển đổi, theo định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đang làm: chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ giao dịch mua bán.

Khi tạo được sự dịch chuyển, người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang VND, nguồn lực ngoại tệ đó được chuyển hóa chứ không phải là một sự chối bỏ. Vấn đề là, có sự chuyển đổi đó hay không, có mở rộng được hay không?

Câu trả lời tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Ví như, đảm bảo được lợi ích nắm giữ VND vượt trội hơn (như lãi suất VND được 7-8%/năm, mức tăng tỷ giá chỉ 3-4%/năm) sẽ kích thích người dân và doanh nghiệp chuyển đổi USD thành VND, và điều này cần lộ trình và thời gian.

Như ở một chính sách khác có một số điểm tương đồng, Ngân hàng Nhà nước đã từng phải mất 3-4 năm quyết liệt mới thấy được biểu hiện người dân “chán vàng” thời gian gần đây, một phần cũng do hạn chế cơ hội đầu cơ chờ giá vàng lên xuống như những năm trước đây.

Quan trọng hơn, ở tầm vĩ mô phải có chính sách khuyến khích xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối để tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế. Đảm bảo vĩ mô ổn định cũng sẽ giảm bớt tâm lý phòng thủ găm giữ của dân cư và doanh nghiệp ở ngoại tệ.

Và như những năm gần đây, một khi đã chọn mục tiêu ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cần có cam kết mạnh mẽ trong điều hành, nhằm đảm bảo niềm tin và lợi ích nắm giữ VND, qua đó kích thích mở rộng hơn hướng chuyển đổi nguồn vốn ngoại tệ trong nền kinh tế.


Doanh nghiệp Việt đang làm gì với TPP?

Đa phần chuyện đi trước đón sóng mới chỉ có ở các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI, phần lớn công ty nhỏ và vừa vẫn loay hoay, thậm chí không quan tâm đến thị trường này.

Chia sẻ với các doanh nghiệp (DN) câu chuyện tìm cơ hội khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng, chưa bao giờ vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế được nâng tầm như thời điểm này.

Kết thúc đàm phán, nhiều DN đã nắm bắt được nội dung, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. Đây cũng là xung lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đang có một thế hệ nhà đầu tư lớn hơn, hiện đại hơn, mang những chuỗi sản xuất hiện đại hơn sang Việt Nam.

Doanh nghiệp lớn chạy đua

Bà Trần Anh Đào, Phó giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSe) thông tin, nếu trong suốt 15 năm qua, HoSe chỉ có 2.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, thì riêng trong năm 2015 đã có đến 400 tài khoản mới được nhà đầu tư nước ngoài mở tại đây. Con số tăng mạnh nhất tại thời điểm TPP chuẩn bị ký kết. Đến năm 2016, quy mô vốn hóa trên HoSe đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Các công ty lớn đều có mặt trên sàn chứng khoán này, và đây là cơ hội lớn để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc điều hành Thai Oil Group cũng chia sẻ, DN Thái Lan đánh giá rất cao Việt Nam trở thành thành viên TPP. Đây cũng là một trong những điểm lý giải vì sao DN Thái liên tục đổ bộ Việt Nam thời gian gần đây.

“Cách đây 2 năm, Thái Lan rất có cảm hứng với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Tuy nhiên, từ 2015, khi Việt Nam là thành viên của TPP, DN Thái lại thay đổi. Họ khẳng định TPP là cơ hội lớn của họ nếu kết hợp với những thuận lợi có được thêmtừ AEC.

Doanh nghiệp Việt đang làm gì với TPP?
Nếu các DN lớn xây dựng chiến lược kinh doanh mới ngay khi TPP được ký kết thì DN nhỏ và vừa vẫn chưa hiểu mình sẽ phải làm ăn như thế nào khi gia nhập sân chơi chiếm 40% kinh tế toàn cầu. Ảnh: K. Toàn

Là DN dược lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán, từ 2 năm nay, Dược Hậu Giang đã chuẩn lực để không “hụt chân” khi gia nhập thị trường với nhiều quốc gia vốn có thế mạnh về ngành này.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang khẳng định, trước yêu cầu hội nhập, việc khẳng định lại chất lượng sản phẩm, chất lược phục vụ được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu chính của trong 5 năm tới của DN là chất lượng. Chất lượng của sản phẩm, chất lượng của dịch vụ đối với khách hàng, dịch vụ đối với người tiêu dùng, chất lượng của từng con người trong công việc, chất lượng của nội bộ với nhau, chất lượng của sự minh bạch đối với nhà đầu tư.

“Dùng 2 từ chất lượng cho tất cả các lĩnh vực mới phù hợp trong hoàn cảnh này. Bởi đã đến lúc người ta nhìn một DN là nhìn ở chất lượng, chứ không phải là những thứ bề nổi. Hồi xưa chính tôi cứ nói mình phải liều, phải cố gắng hết sức. Nhưng nếu cố gắng làm việc, tạo ra sản phẩm tốt mà chất lượng cuộc sống của người lao động không thay đổi thì cũng không phải DN tốt. Đã qua thời người lao động cần ăn no, mặc ấm, giờ phải ăn ngon mặc đẹp”, bà Nga nói.

Cũng theo CEO Dược Hậu Giang, khi gia nhập TPP, bà nghĩ ngay đến chiến lược phải đứng trên vai người khổng lồ. Ngoài việc mang hàng của mình ra cạnh tranh, với những sản phẩm chưa đủ khả năng sản xuất DN sẽ chủ động làm nhà phân phối. Khi đó, DN có cơ hội mang sản phẩm đi kèm vào những vùng tiêu thụ mà người tiêu dùng khó tính sử dụng.

Công ty nhỏ không biết

Tuy nhiên, đa phần chuyện đi trước đón sóng mới chỉ có ở các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI, phần lớn công ty nhỏ và vừa vẫn loay hoay, thậm chí không quan tâm đến thị trường này.

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội nhựa chia sẻ, ngành nhựa hiện có 3.000 doanh nghiệp. Phần lớn DN trong ngành quan tâm nhiều đến AEC chứ không phải TPP. Thống kê của ông Việt Anh, nếu 10 thành viên ngồi lại với nhau thì đến 6 DN không biết, không quan tâm đến TPP; 4 người còn lại biết nhưng rất lơ mơ, không hiểu đúng.

Ông Johan Nyvene, Giám đốc điều hành khối tài chính doanh nghiệp Công ty chứng khoán HSC, cũng cho rằng mình không "vơ đũa cả nắm", nhưng qua quá trình làm việc, tiếp xúc, chia sẻ với DN, ông nhận thấy một bộ phận lớn DN Việt không muốn đầu tư cho những gì dài hạn, không thấy giá trị trước mắt. Họ chỉ muốn cái gì ngắn hạn, thu lợi ngay. DN Việt Nam không muốn sử dụng dịch vụ tư vấn. Họ chỉ muốn vay vốn ngân hàng với lãi suất rẻ nhất có thể rồi mua đi bán lại kiếm lời, thậm chí họ tìm cách quỵt nợ ngân hàng. Đây là điều khiến hiện nay ngân hàng rất khắt khe khi cho vay với DN nhỏ.

Theo ông Trần Quốc Khánh, hội nhập đã không còn mới, VN đã có hành trang 20 năm hội nhập. Nhưng với TPP, điều quan trọng nhất, Việt Nam là nước duy nhất kết nối được với các thị trường lớn trên thế giới bằng quan hệ thương mại tự do, giúp củng cố vị thế của nước ta trên thị trường quốc tế, và là cơ hội của DN Việt Nam.

Chính điều này mà không còn cách nào khác, DN phải vững tâm thế bước vào hội nhập, bước vào thị trường với tâm thế vững chãi, chấp nhận cạnh tranh. Nhưng DN lưu ý đừng cạnh tranh về giá. Việc giảm giá chạy đua, cắt vào lợi nhuận của mình là không bền. Hãy cạnh tranh khác, bằng chất lượng, chữ tín, xây dựng cách quản trị hiện đại, marketing hiệu quả, bỏ kiểu quản trị gia đình. DN cũng nên đi ra ngoài nhiều hơn để thấy thị trường vận động, để học hỏi.

"Với TPP, tôi rất lo thuốc Việt Nam phải cạnh tranh với thuốc các nước tiên tiến. DN ngoại ngoài thương hiệu, họ có bề dày kinh nghiệm, tài chính lớn mạnh và có cả lòng tin của người Việt Nam. Song họ cũng có điều bất lợi mà DN trong nước có thể vượt qua, đó là văn hóa của người Việt Nam. Không ai hiểu tập quán tiêu dùng của người Việt Nam bằng chính DN nội.

Với những sản phẩm mình làm được, Mỹ làm được thì mình cố gắng làm khác đi, để không bị so sánh. Và cái quan trọng là hệ thống bán hàng. Hội nhập thì hệ thống bán hàng quan trọng nhất, mình nên nghĩ đến những vùng tiêu thụ xa xôi đang cần sản phẩm", bà Phạm Thị Việt Nga.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Khách chuộng sim 08x, đầu số cũ bị ‘thất sủng’ ở Sài Gòn

Nhiều cửa hàng sim số tại TP HCM cho biết, các đầu sim 08x trả trước luôn hút hàng trong khi đó các đầu số cũ 016,012,093,094… có giá chỉ 20.000 đồng/sim vẫn ít người mua.

Nhiều cửa hàng, đại lý sim số tại TP HCM, đang ôm hàng chục nghìn sim các đầu số cũ lo sợ vì khách hàng chỉ tìm mua sim đầu số mới 08x. Sau khi các nhà mạng thông báo phát hành lần lượt các đầu số 088,089,086, nhiều khách hàng tại TP HCM đã săn tìm bằng được chiếc sim mới để dùng.

Anh Nguyễn Phú Tài, một nhân viên tiếp thị bất động sản, quận 7, cho biết, hay tin các nhà mạng phát hành đầu số mới, anh này đã tìm đến hơn 7 đại lý sim số, và bỏ ra hơn 15 triệu đồng để mua cho mình số 08888.xxx88. Anh Tài cho răng đầu tư chiếc sim này "đáng đồng tiền", bởi lẽ đây là đầu số lạ, kích thích sự tò mò, khách hàng của anh sẽ thích thú.

Khách chuộng sim 08x, đầu số cũ bị ‘thất sủng’ ở Sài Gòn
Khách hàng tranh thủ mua sim trả trước đầu số 088, tại một điểm bán trên đường Hùng Vương, quận 5. Ảnh: Zen Nguyễn

Nhưng ông Nguyễn Văn Hiếu, kinh doanh sim số hơn 10 năm trên đường 3 Tháng 2,quận 10 cho rằng, thực tế đầu số không hề thiếu. Riêng kho sim rác của ông có đến hơn 10.000 đầu số của các nhà mạng. Mỗi nhà mạng phát hành 3-4 dòng sản phẩm, từ nghe gọi, 3G… với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Hơn nữa, không thiếu gì sim “siêu”khuyến mại chỉ có giá 20.000đồng.

“Việc phát hành đầu số mới 08x, gây lãng phí cho kho sim số. Số đông khách hàng lại chạy theo trào lưu số mới, ít quan tâm đến những đầu số cũ. Thực tế, thị trường sim số cũng đến lúc bão hoà, việc phát hành thêm đầu số mới 08x, cũng là chiêu ‘bình cũ rượu mới’. Nhưng lại làm thiệt hại cho những đại lý đang trữ một lượng lớn đầu số cũ vì ít người mua”, ông Hiếu nói.

Tranh thủ sức nóng của sim 088, anh Ngô Quang Quyền, chủ một cửa hàng bán đồ trang sức trên đường Cao Thắng, quận 3, đã mua 500 sim mới, với giá hơn 70 triệu đồng về làm quà tặng cho khách hàng. Theo anh Quyền, anh lấy nguyên lô sim không chọn số, nhưng chỉ lọc được khoảng 30 số đẹp, để dành tặng cho khách hàng VIP.

“Đầu số mới này đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng, nhiều người săn tìm để sớm sở hữu số, nên cửa hàng đã tranh thủ mua số lượng lớn sim để làm chương trình khuyến mại. Khách mua hàng với hóa đơn trên 2 triệu đồng đều được tặng sim. Khách nào mua nhiều sẽ được tặng sim số đẹp hơn”, anh Quyền chia sẻ.

Trong khi đó nhiều đại lý lại phản ánh lượng sim đầu số mới không đủ bán cho khách hàng. Anh Phan Hữu Duy Ân, quận 5, cho biết, dù giá sim mới khá cao 148.000-200.000 đồng nhưng vẫn không đủ sim để bán. Các tổng đại lý đều thông báo số lượng sim nhập về chỉ giới hạn vài nghìn, nhưng không nhập qua đường chính thống trực tiếp từ nhà mạng mà phải thông qua đơn vị thứ 3, dẫn đến số lượng sim phân phối cho các đại lý con bị thiếu hụt.

Cũng theo anh này, nhà mạng tại TP HCM đã thiết lập các điểm bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Theo anh Bùi Nguyễn Gia Khang, giám đốc một công ty dịch vụ trên đường Hùng Vương, quận 5, hiện nay tại điểm bán sim của công ty mỗi ngày bán hơn 5.000 sim đầu số 088, trong khi những đầu số cũ khách ít quan tâm, mỗi ngày chỉ bán được vài sim.

Hai đầu số 089 và 086, dù chưa chính thức phát hành nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, dự kiến 2 đầu số này sẽ được bán ra thị trường vào đầu tháng 4, với mức giá chỉ 138.000 đồng cho sim 089, và 60.000 đồng cho sim 086.

Khách chen mua sim 088, cửa hàng ở Sài Gòn phải đóng cửa

Trưa 13/3, hàng trăm khách hàng vây lấy một công ty trên đường Hùng Vương, quận 5 , để mua sim đầu số 088. Chỉ sau 1 giờ mở cửa, công ty này đã bán hơn 1.000 sim trả trước.


IMF: Nền kinh tế VN sẽ bị tổn thương nếu không cải cách

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định Việt Nam dễ tổn thương trước những cú sốc đến từ bên ngoài nếu không củng cố hệ thống ngân hàng và chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Trong một cuộc phỏng vấn tại TP.HCM hôm 18/3, Christine Lagarde, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, Việt Nam không đứng ở vị trí có thể chịu được những ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của những quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.

“Việt Nam có thể rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc đến từ bên ngoài. Nó ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và điều này không tốt cho người dân”, Lagarde nói.

IMF: Nền kinh tế VN sẽ bị tổn thương nếu không cải cách
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón bà 

Lagarde hôm 18/3. Ảnh: Getty

Việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo Bloomberg, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là 6,6%. Trong khi đó, Chính phủ đề xuất nâng cao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 của đất nước từ 6,7% đến 7%.

Người đứng đầu IMF cho biết, tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm xuống còn 13,5% từ mức 60% vào năm 1993. Nền kinh tế sẽ bền vững nếu mục tiêu tăng trưởng cao hơn 6%. Hiện tại, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.

Tiềm năng đáng chú ý

"Việt Nam đã làm rất tốt khi có thể duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong một môi trường thách thức. Phần còn lại của thế giới đang không tăng trưởng với khả năng và tốc độ mà chúng tôi mong muốn. Các bạn đã làm rất tốt trong việc xoá đói giảm nghèo và không tăng tỷ lệ bất bình đẳng, tình trạng thường đi kèm với tăng trưởng”, Lagarde nhận xét.

Tuy nhiên, người phụ nữ này cho hay, từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm hơn so với 2 thập kỷ trước. Điều này không phù hợp với tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người, tình trạng mà các nền kinh tế thành công nhất trong khu vực từng trải qua ở giai đoạn tương tự.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải tăng linh hoạt trong tỷ giá hối đoái nhằm giảm tác động của những cú sốc kinh tế đến từ những nơi khác, đồng thời xây dựng dự trữ bên ngoài. Cải cách doanh nghiệp nhà nước và giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng sẽ bù đắp cho sự lão hoá dân số, tình trạng có thể cản trở tăng trưởng trong tương lai.

Quản trị doanh nghiệp

“Chúng tôi tin rằng hệ thống ngân hàng cần phải được cải thiện, tăng cường vốn và giảm nợ xấu trong bảng cân đối để họ có thể thực sự là động lực thúc đẩy nền kinh tế”, Lagarde nói. Ngân hàng cần quản trị tốt hơn và tái tập trung vào công việc kinh doanh cốt lõi.

Ngoài ra, Việt Nam cũng gặp vấn đề với nợ công với khoảng 60% tổng sản phẩn quốc nội và lão hoá dân số.

“Khi tình trạng nợ cao kết hợp với việc giảm nhẹ trong độ tuổi lao động, các bạn cần phải cẩn thận với sự ổn định trong nền kinh tế vĩ mô. Bạn cần phải cân đối chi tiêu một cách hợp lý”, bà nhận định.


Bán giá cao để 'bù lỗ', cây xăng bị phạt 17 triệu đồng

Lấy lý do khi nhập vào giá cao nhưng sau đó xăng giảm đột ngột nên bị thua lỗ nhiều, một cây xăng ở Hà Tĩnh đã bán giá đắt hơn 200 đồng/lít.

Ngày 21/3, ông Võ Viết Linh - Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa xử phạt 17 triệu đồng đối với cây xăng Long Đức (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) vì bán sai giá niêm yết.

Trước đó khi vào đổ xăng Ron 92 tại cửa hàng này, người dân bất ngờ khi thấy nhân viên bán giá 14.220 đồng/lít.

Khách hàng thắc mắc, nhân viên bán hàng không giải thích được mức chênh lệch này. Người dân sau đó đã thông báo tới cơ quan chức năng.

Bán giá cao để 'bù lỗ', cây xăng bị phạt 17 triệu đồng

Cây xăng bán sai giá bị xử phạt. Ảnh: Q.N.

Tại thời điểm kiểm tra, nhà chức trách xác định, cửa hàng xăng dầu này bán 14.220 đồng/lít, trong khi theo quy định giá xăng tại Hà Tĩnh (vùng 2) là 14.020 đồng, cao hơn 200 đồng/lít.

Sau khi lập biên bản, đội quản lý thị trường số 4 đã xử phạt cây xăng Long Đức số tiền 15 triệu đồng vì bán sai giá niêm yết.

Ngoài ra, đơn vị cũng truy thu số tiền hơn 2 triệu đồng mà cây xăng này bán sai cho người dân.

Chủ cây xăng Long Đức lý giải rằng, thời điểm nhập xăng Ron 92 vào là hơn 15.000 đồng/lít, do giá xăng giảm mạnh, bị thua lỗ nên đã bán giá cao hơn.

Nghệ An mất hàng nghìn tỷ đồng vì gian lận xăng dầu

Phó cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Hà Lê Dũng cho biết như vậy tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng vào chiều 18/1.

Vì sao công ty của ông Đặng Thành Tâm triền miên lỗ?

Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) năm 2015 chỉ đạt 5,4 tỷ đồng doanh thu và lỗ gôpj 61 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (SQC) đã công bố báo cáo tài chính năm 2015. Theo đó, SQC chỉ đạt 5,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 89% so với năm 2014. Trong khi đó, giá vốn hàng bán vẫn duy trì ở mức cao 66 tỷ đồng, khiến SQC lỗ gộp 61 tỷ đồng.

Mặc dù, SQC đã mạnh dạn cắt giảm tối đa các loại chi phí như chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp, sắp xếp lại lực lượng lao động phù hợp,…nhưng tính chung cả năm 2015 SQC vẫn lỗ 96 tỷ đồng.

Năm 2015 là năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp của SQC, sau khi đã lỗ 125 tỷ đồng vào năm 2014 và 27 tỷ đồng vào năm 2013. Vì vậy, SQC đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Trước đó, SQC đã bị ngưng giao dịch ký quỹ từ ngày 31/3/2015.

Vì sao công ty của ông Đặng Thành Tâm triền miên lỗ?
Ông Đặng Thành Tâm hiện tại là cổ đông lớn nhất tại Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn, với tỷ lệ sở hữu 41,1%.

Nguyên nhân thua lỗ liên tục được bà Trần Thị Điệp, Kế toán trưởng SQC cho biết: “Thị trường các sản phẩm titan vẫn chưa hồi phục nên mặc dù Công ty đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng, kể các khách hàng nhỏ lẻ nhưng vẫn chưa bán được hàng tồn kho”. Mặt khác, do phát sinh dự phòng giảm giá hàng tồn kho tiếp tục neo giữ giá vốn hàng bán ở mức cao.

Ngoài ra, SQC cũng khó khăn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu quặng titan vì các mỏ được cấp phép đã khai thác hết nên nhà máy titan vẫn tạm ngừng hoạt động.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/2/2016, Hội đồng quản trị của SQC đã bổ nhiệm bà Huỳnh Thị Ngọc Lan giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc để thay cho bà Đặng Thị Hoàng Phượng và lên kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông vào tháng 4/2016.

Tính đến hết năm 2015, tổng tài sản Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn đạt 1.284 tỷ đồng, trong đó chủ yếu bao gồm 760 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chi phí trả trước 198 tỷ đồng và tồn kho 192 tỷ đồng. SQC cũng có 384 nợ phải trả.

SQC đang nắm giữ 26,5 triệu cổ phiếu SPT, tương đương 22% cổ phần của SPT, với tổng giá trị đầu tư đạt 649 tỷ đồng.

Ông Đặng Thành Tâm hiện là cổ đông lớn nhất tại SQC với tỷ lệ sở hữu 41,1%. Tiếp theo là Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) do ông Tâm làm Chủ tịch nắm giữ 7,07%; CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn nắm giữ 5,84%.

CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn thành lập năm 2006 là công ty con của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Công ty chuyên về lĩnh vực khoáng sản như khai thác titan, quặng thô, luyện thép... Tháng 12/ 2009, cổ phiếu SQC được niêm yết trên HNX.


Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt Nam trên sân chơi TPP?

5 ngành chịu ảnh hưởng từ TPP là dệt may-giày da, nông thủy sản, ôtô và ngành phụ trợ, dược, công nghệ cao sẽ được hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc chuẩn bị tâm thế trước hội nhập.

Mang tính thời sự và hướng tới giải quyết các vấn đề cấp bách của nền kinh tế, “Hội nghị lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam” (Vietnam Leadership Summit 2016) tổ chức ngày 8/4 tại TP HCM được đánh giá là sự kiện kinh tế lớn năm 2016. Chủ đề “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” là nội dung tập trung của hội nghị.

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia sẽ được giải đáp các vướng mắc, hỗ trợ tìm kiếm giải pháp cạnh tranh cho doanh nghiệp khi tham gia sân chơi TPP.

Các vấn đề được thảo luận chính tại hội nghị là đầu tư – thương mại, sở hữu trí tuệ và lao động, tương ứng với 3 chính sách nổi trội trong cam kết TPP. 5 ngành mũi nhọn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Hiệp định TPP sẽ được Hội nghị tập trung tháo gỡ là dệt may-giày da, nông thủy sản, ôtô và ngành phụ trợ, dược, công nghệ cao.

Hội nghị hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp nắm được thông tin chính xác về các thay đổi trong chính sách tại Việt Nam khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực.

Các chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành là người trực tiếp tham gia quá trình đàm phán thực hiện hiệp định cũng sẽ đưa ra định hướng giúp doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực để chuẩn hóa nền tảng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường khu vực Thái Bình Dương, tránh hệ quả suy yếu, phá sản do không được chuẩn bị trước làn sóng cạnh tranh từ thế giới.

TPP chính thức được ký kết giữa 12 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam ngày 4/2/2016.  

Hiệp định đưa ra 5 tiêu chí đồng nhất giữa các quốc gia là tiếp cận thị trường toàn diện, đưa ra cam kết mang tính khu vực, giải quyết những thách thức mới, thương mại toàn diện và là nền tảng cho hội nhập khu vực. Khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

'Thịt mình đang ăn toàn... đôla'

Có những nghịch lý đau lòng: giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo hiện nay tại VN cao xấp xỉ 22% so với Mỹ; ngành chăn nuôi không phát triển được, bởi thịt mình đang ăn toàn đôla.

Thử làm một phép so sánh nhỏ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 2.000 USD/người/năm, trong khi GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp hàng chục lần, nhưng giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo hiện nay tại Việt Nam cao xấp xỉ 22% so với giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo ở Mỹ (và một số nước khác như Mexico, Úc).

“Đi bán giùm sữa cho nông dân là chưa đủ, phải làm sao cho họ sống được bằng sản xuất kinh doanh sữa có hiệu quả. Đó là trách nhiệm của Nhà nước và cả doanh nghiệp Việt Nam!”

Theo số liệu tổng hợp của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2015 mức tiêu thụ đạm động vật (thịt + thủy hải sản) bình quân Việt Nam khoảng 84 kg/người/năm (trong đó thịt chiếm 62%), trị giá sản phẩm thịt khoảng 168 USD/người/năm. Rõ ràng, người Việt Nam đang tiêu thụ lượng thịt ít hơn, với giá cao hơn và chất lượng thì không thể bằng.

Nếu phân tích kỹ mới thấy một nghịch lý: nông nghiệp hiện chiếm hơn 18% tổng GDP cả nước nhưng ngành chăn nuôi vẫn không phát triển được, bởi thịt mình đang ăn toàn... đôla.

'Thịt mình đang ăn toàn... đôla'
Thịt Việt Nam hiện nay đang ăn toàn... đôla.

Từ nguyên liệu thức ăn cho gia súc như bắp, bã đậu nành, cám gạo, đến các loại thuốc cho heo, gà, cá... đều phải nhập bằng ngoại tệ.

Tổng hợp từ báo cáo thống kê cho thấy thị trường thức ăn chăn nuôi năm 2015 ước tính trị giá 6,92 tỉ USD, trong khi giá trị nhập khẩu nguyên liệu cho ngành này hơn 4,8 tỉ USD. Vì sao phải nhập? Vì giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn mình rất nhiều.

Thêm một ví dụ nữa, cả nước Mỹ chỉ cần vài ngàn nông trại hiệu quả cao là đủ phục vụ hơn 300 triệu dân, trong khi đó cả nước mình có đến hàng triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chi phí giá thành cao.

Để chạy theo lợi nhuận, một bộ phận nông dân sẵn sàng sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trọng, hóa chất cấm trong trồng trọt, qua mặt người tiêu dùng về chất lượng mà vẫn tiêu thụ được.

Tất cả những vấn nạn từ thịt bẩn, rau bẩn suốt một thời gian dài đã dẫn đến hệ lụy về sức khỏe, góp phần không nhỏ trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ ung thư cao trên thế giới.

Nhìn qua ngành mía đường, nghịch lý nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay. Khi khó khăn, thiếu đường, chúng ta phải nhập khẩu đã đành, bây giờ đủ đường cũng phải nhập khẩu. Vì sao?

Vì giá đường nhập khẩu thấp hơn trong nước. Phân tích ra mới thấy không đủ đường không phải vì thiếu mía, mà vì chữ đường trong cây mía của Việt Nam luôn thấp hơn so với Thái Lan.

Một hộp nước cam, nước thơm, nước táo... được sản xuất và đóng hộp tại Việt Nam nhưng nguyên liệu sử dụng trong đó đều được nhập khẩu từ nước ngoài!

Điểm lại chuỗi giá trị trong chế biến thực phẩm đạm động vật từ nông trại (farm), thức ăn chăn nuôi (feed) và thực phẩm (food) suốt một thời gian dài vừa qua gần như vắng bóng những doanh nghiệp Việt Nam có tầm cỡ đầu tư một cách tập trung và hoàn chỉnh.

Vì thế, cho đến nay lợi thế đã tạm thời nghiêng về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm lâu năm, họ đang dẫn dắt và kiểm soát theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.

Vì vậy, cần phải giải bài toán làm sao tái cấu trúc mô hình, mở rộng quy mô, để dần dần tham gia chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí trong lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước ngưỡng cửa hiệp định TPP và AEC đã có hiệu lực, chúng ta phải thấy đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại, nhận ra mình trong điều kiện có thể, tìm được hiệu quả trong đầu tư nông nghiệp.

Ngay cả chính sách cho nông nghiệp phải mang tầm chiến lược và thực thi được trong hiện trạng của nền kinh tế. Khuyến khích đầu tư và nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa là bài toán cho cả Nhà nước và doanh nghiệp hiện nay.

Đặc biệt, Nhà nước phải luôn cân nhắc sự bình ổn về giá, mức độ cung cầu trong những thời điểm phải đối mặt với sự biến động của thị trường, kể cả vấn đề về an ninh an toàn lương thực thực phẩm. Vai trò này liệu có thể dựa vào doanh nghiệp FDI?

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp Việt Nam cần gánh vác vai trò của mình, để xác lập lại “trật tự” trong quá trình hội nhập hiện nay, không chỉ Nhà nước mới có trách nhiệm bảo đảm lương thực, thực phẩm, sức khỏe cho người dân, mà doanh nghiệp trong nước cũng cần có trách nhiệm đó.

Mô hình trang trại lớn, không thể làm ăn gian dối, chính sách cho nông nghiệp phải làm sao bảo đảm sự công bằng, minh bạch, đủ để ngăn chặn những doanh nghiệp làm ăn gian dối, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng... chính là những nhân tố quan trọng nhất giúp nông nghiệp chuyển mình.


Nhật Bản mở chiến dịch lớn đưa hàng hóa vào Việt Nam

Nếu Thái Lan phủ rộng hàng của mình vào các đại siêu thị thì người Nhật lại lựa chọn cửa hàng tiện lợi để làm bàn đạp đưa hàng tiêu dùng vào thị trường Việt Nam.

Ông Hayashi Motoo, Bộ Trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đang cùng 18 doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ lớn nhất tiến hành khảo sát thị trường Việt Nam, chuẩn bị cho chiến dịch đưa hàng hóa xâm nhập thị trường này.

Xây chắc cứ điểm tại Việt Nam

Các doanh nghiệp trong chuyến khảo sát lần này hầu như chưa đầu tư tại Việt Nam, và đây là lần đầu tiên họ tìm hiểu thị trường để đưa hàng hóa của mình vào. Đa phần trong số này là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản và hàng tiêu dùng nhanh. Tất cả thành viên tham gia đều cho rằng, việc đưa hàng Nhật vào Việt Nam cần phải được chuẩn bị kỹ các khâu, từ hạ tầng xã hội, dịch vụ thanh toán và kênh phân phối phải thực sự hoàn chỉnh.

Nhật Bản mở chiến dịch lớn đưa hàng hóa vào Việt Nam

Ông Hayashi Motoo, Bộ Trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản

khảo sát một cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam chiều 20/3.  Ảnh: Việt Dũng

Chuyến thị sát này cho thấy việc đưa hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam đang được tính toán kỹ lưỡng. Trước mắt họ khảo sát xem cần bán sản phẩm nào, và làm thế nào để thu hút được người Việt Nam dùng hàng Nhật. Thông tin từ thành viên đoàn, các cửa hàng tiện lợi (CHTL) của quốc gia này đang triển khai tại Việt Nam được xây dựng như những cứ điểm khảo sát tối ưu nhất về thông tin và hành vi tiêu dùng tại Việt Nam.

Bộ trưởng Hayashi cho biết, một Japan Fair nhằm giới thiệu và bán thử các mặt hàng Nhật Bản sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Bộ trưởng cũng thông báo về kế hoạch thành lập một hội đồng để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hội đồng này bao gồm JETRO, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản, các cơ quan tài chính liên quan, các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp. JETRO đặt mục tiêu phối hợp với các công ty sở hữu những chuỗi CHTL để tăng cường quảng bá sản phẩm từ nhiều vùng khác nhau ở Nhật Bản đến Việt Nam.

Như vậy, động thái đầu tiên của chính phủ Nhật Bản cho chiến dịch này là hỗ trợ hoạt động của các CHTL, định hướng sản phẩm cho các cửa hàng này đưa ra thị trường và làm cách nào mở rộng cửa hàng càng nhanh càng tốt. Cụ thể, ngoài các chuỗi CHTL đã hoạt động thì chuỗi cửa hàng Seven Eleven đang điều tra và có kế hoạch mở trong năm nay.

Người Nhật đón TPP từ Việt Nam

Việt Nam cũng là nước đầu tiên mà JETRO áp dụng kế hoạch này, nếu mô hình thành công thì sẽ triển khai ở các nước khác. Bộ trưởng Hayashi khẳng định, Việt Nam đang là thị trường được chú ý nhất hiện nay vì nhiều lý do. Đầu tiên, đây là thị trường có quy mô dân số đến 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, trong khi thu nhập của người dân đang tăng lên, khoảng 5.000 USD/năm. Ngoài ra, ông đánh giá Việt Nam là một thị trường “chưa khai phá”, hỗ trợ tốt cho hàng Nhật vì nhu cầu mua sắm ngày càng tăng.

Trưởng đại diện JETRO tại TP HCM, ông Yasuzumi Hirotaka chia sẻ: “Hành vi tiêu dùng của người Việt Nam là một yếu tố doanh nghiệp quan tâm. Cụ thể, sau khi triển khai các CHTL tại đây, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm có giá thành rẻ bán rất chạy, trong khi các mặt hàng giá trị cao lượng tiêu thụ còn hạn chế. Từ việc khảo sát này, doanh nghiệp Nhật có chiến lược tốt về sản phẩm. Lần này họ sẽ đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao nhưng giá thành ở mức chấp nhận được với người Việt”.

Không chỉ quan tâm đến việc đưa hàng hóa vào mà chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản còn tìm cách hỗ trợ việc xây dựng các hệ thống thanh toán, tài chính để thúc đẩy việc bán hàng một cách thuận tiện nhất, tạo điều kiện cho hàng Nhật được lưu thông tối ưu nhất tại Việt Nam.

Đại diện JETRO tại TP HCM, cho biết chuyến đi của Bộ trưởng Hayashi nhằm thăm dò, khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản và nguyên liệu, thực phẩm của Nhật. Tuy nhiên, nếu muốn sản phẩm Nhật phát triển tốt, đảm bảo được chất lượng thì cần cải thiện nhiều vấn đề khách quan tại Việt Nam.

Trưởng đại diện JETRO tại TP HCM lý giải việc Nhật Bản muốn đẩy mạnh đưa hàng hoá nông sản vào Việt Nam trong thời điểm này nhằm đón đầu các ưu thế của hiệp định TPP, như thuế sẽ giảm, và các cam kết về đơn giản hoá thủ tục hải quan. Doanh nghiệp lớn thì đã có kinh nghiệm về triển khai kinh doanh ở nước ngoài, nhưng đây là điểm yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, một trong những kênh để mở rộng chính là CHTL để họ tiếp cận thị trường một cách an hơn.

Những vấn đề về kiểm dịch, thông quan đang là một trở ngại lớn để hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam một cách đảm bảo nhất. Ông Yasuzumi bày tỏ lo ngại rằng, tuy mức thuế có thể giảm, nhưng thủ tục vẫn kéo dài, từ đó làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một sản phẩm có thời hạn sử dụng nửa năm, nhưng thủ tục nhập khẩu để được vào Việt Nam cũng kéo dài tương tự. Nên ngay khi sản phẩm vừa hoàn thành thủ tục để vào thị trường thì đã phải bán ngay, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. Đây là một trong những điều mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất.

Trả lời Zing.vn về tỷ lệ hàng hoá trong các CHTL, Trưởng đại diện JETRO tại TP HCM cho biết, những cửa hàng này sẽ ưu tiên bán hàng Việt Nam nhiều hơn, để phù hợp với khả năng mua sắm của người dân địa phương, song song với việc quảng bá những mặt hàng của nhiều vùng, miền tại Nhật Bản.

“Một trong những mặt hàng Nhật sẽ được bán ở các CHTL là bánh, kẹo. Rất nhiều sản phẩm mà các bạn có thể chưa biết đến, nhưng chúng rất được người dân Nhật Bản yêu thích. Chúng tôi muốn giới thiệu những sản phẩm như vậy tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hàng hoá bày bán ở CTHL thì không thể kê giá quá cao. Do đó, chúng tôi sẽ lựa chọn những sản phẩm có giá cả hợp lý mà vẫn bảo đảm chất lượng”, ông nói. 

Tại Nhật Bản, các CHTL không chỉ là nơi để bán hàng hoá. Đây còn là nơi nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng, xem họ thích mặt hàng nào để cửa hàng bày bán các sản phẩm đó. CHTL còn phục vụ một số dịch vụ khác như rút tiền tại các quầy ATM đặt sẵn, mua vé một số sự kiện, thanh toán các hoá đơn… Ông Yasuzumi cho biết, số lượng CHTL ở Việt Nam hiện chưa đến 200, ông tin tưởng con số này sẽ mở rộng đáng kể trong tương lai, đến 500 hoặc thậm chí 1.000. Khi đó, lượng sản phẩm Nhật Bản tìm đường vào Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Phía Nhật Bản tin tưởng, đây là kênh có thể nắm bắt được thị hiếu khách hàng tốt nhất.

Ông chủ 8X đóng tàu khủng vươn khơi giữ chủ quyền

Sinh năm 1985, Lê Văn Sang (Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) có trong tay đội tàu đánh bắt, hậu cần “khủng” nhất miền Trung. Anh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014.

Thủ lĩnh 8X

Biển động nhẹ, trời nắng gắt. Thuyền viên trên tàu Sang Fish 01 ngon giấc sau đêm trắng bủa lưới. Sang ngồi trực sẵn trên cabin, cầm chắc bộ đàm Icom rè rẹt tiếng đầu dây chuyện trò. Ngày nào cũng thế, Sang liên tục cập nhật thông tin đất liền đến từng vị trí, tình hình thu gom của các đội tàu hậu cần đang ngang dọc Hoàng Sa. Người gầy cao, nụ cười hiền, ánh vẻ lạc quan, tin tưởng. 

Sang chạy như con thoi khắp các vị trí trên tàu Sang Fish 01 tròng trành sóng. Khi ở cabin chỉ huy, lúc hòa nhịp kéo lưới cùng bạn tàu. “Tàu mới đưa vào đánh bắt, mình phải theo sát để động viên, hướng dẫn anh em”, Sang nói.

Thuộc diện nhỏ tuổi nhất tàu, nhưng Sang được anh vợ Phan Bé - đồng chủ tàu Sang Fish 01- tin tưởng, đặt vị trí chỉ huy các hải trình cho tàu vỏ thép.

Sinh ra trong gia đình ngư dân truyền thống, Sang từng chọn ngã rẽ riêng cho mình- kinh doanh. Tốt nghiệp trường CĐ về Marketing và quản lý khách sạn ở TP HCM, Sang mở công ty tổ chức sự kiện. Cú thất bại 500 triệu đồng khiến Sang điêu đứng. Năm 2010, trở về quê nhà, Sang được cha Lê Mến rủ đi biển… chơi. Ai ngờ chất biển tiềm tàng bấy lâu dồn nén, nay như cá gặp nước. 

Sang tự nhủ: Thương trường chưa chắc khốc liệt như ngư trường và quăng thân mình vào thử thách. Học, thi lấy bằng thuyền trưởng, Sang trực tiếp làm tài công cho con tàu 90CV ngang dọc vùng biển gần bờ, manh nha nghề hậu cần. “Vùng biển rộng, ngư trường phong phú nhưng đội tàu hạn chế, thiếu tàu hậu cần, cách đánh bắt vẫn theo kiểu truyền thống, mang tính kinh nghiệm”, Sang nói.

Ông chủ 8X đóng tàu khủng vươn khơi giữ chủ quyền

Thuyền trưởng Lê Văn Sang.

Ý tưởng đột phá lóe lên trong đầu chàng ngư dân trẻ. Sang mạnh dạn bàn với gia đình, nâng cấp tàu cũ, mua thêm tàu cá, đóng tàu mới và trang bị thêm các xe cấp đông, tạo thành mô hình tổ đội hậu cần lần đầu tiên của Đà Nẵng. Năm 2012, ngày Sang hạ thủy con tàu hậu cần ĐNa 90444 gần 1.200 CV (sau nâng cấp lên 1.300 CV) khiến khắp làng chài Đà Nẵng kinh ngạc. 

Con tàu tổng trị giá 3 tỷ đồng, to, dài, cao thuộc hàng “khủng” nhất trong các đội tàu hậu cần miền Trung. Không dừng lại, Sang luôn ấp ủ phải làm sao ứng dụng công nghệ tốt nhất, hiện đại nghề cá. Tàu cá vỏ thép thế giới có từ lâu nhưng Việt Nam vẫn là con số không tròn trĩnh. Khi Chính phủ thí điểm đóng 20 tàu thép cho Quảng Ngãi, Sang bàn với anh vợ Phan Bé đăng ký triển khai.  Nhiều người ngần ngại, nhưng Sang quả quyết: “Chắc chắn sẽ hiệu quả!”. Cả năm trời, Sang tự mày mò, nghiên cứu tài liệu, thiết kế mẫu tàu sắt, trình đơn vị đóng tàu, hình hài tàu vỏ thép thương hiệu Sang Fish 01.

Giữa tháng 7/2014, con tàu hạ thủy, về cửa biển Đà Nẵng trước sự trầm trồ, thán phục. Con tàu kỳ vọng thực hiện nhiệm vụ kép vừa thu gom hậu cần, vừa khai thác bằng nghề lưới vây. Ba chuyến thực nghiệm hậu cần, con tàu Sang Fish 01 khẳng định ưu điểm bởi khả năng lướt sóng, giảm nhiên liệu và bảo quản sản phẩm tối đa. Tuy nhiên, Sang trăn trở: “Mình đang tính cải tạo cabin. Bản thiết kế của mình, tầng 2 cabin nhỏ để khi tàu lớn cập mạn tàu thép sẽ không bị va đập, hư hại”.

Làm chủ công nghệ 

Sang thuộc làu từng tính năng thiết bị trên tàu. Theo Sang, để vận hành tàu thép từ thuyền trưởng, máy trưởng đến các bạn tàu phải có kỹ năng “đặc biệt”, cao hơn tàu gỗ truyền thống. Bản thân Sang tự trau dồi, nghiên cứu và phổ biến các kiến thức về hàng hải, rađa, phát huy công năng của các thiết bị tầm ngư…

“Ngư dân có kinh nghiệm nếu thêm kiến thức, kỹ năng đánh bắt hiệu quả sẽ gấp đôi, gấp ba”, anh Sang nói. Thuyền trưởng Phan Bé cũng tâm đắc: Sau vài sự cố, mọi chuyện trên tàu đã vận hành trơn tru, bài bản hơn. Tàu thép hiện đại nhưng người sử dụng phải tương thích. 

20 tuổi theo nghiệp biển, 30 tuổi, anh Bé có tàu riêng. Từng là chủ nhân đôi tàu giã cào QNg 94679 và QNg 94088, tổng công suất hơn 1.000 CV, trong 2 năm 2012-2013, anh Bé quyết định bán sạch để cùng em vợ Lê Văn Sang, hùn vốn, đóng tàu vỏ thép. Theo anh Bé, Sang trẻ tuổi nhưng quyết đoán, bản lĩnh và có cách tính toán phù hợp. Mình nếu bảo thủ cứ chạy theo tàu gỗ thì khó mà góp phần hiện đại nghề cá được. 

Nhớ lần tranh luận với nhau về chuyện thiết kế mẫu tàu theo quy phạm, với chiều cao thành mạn phải đạt 70 cm, gây khó cho ngư dân, Sang phản pháo: Kể cả bộ phận tư vấn nhà máy đóng tàu, họ cũng nhầm. Có hai quy chuẩn giữa be chắn sóng (70 cm) và be chắn lưới (30-40 cm). Tùy mình chọn để triển khai. Vấn đề cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh nghiệm thực tiễn và lý thuyết. Đưa vào khai thác tàu Sang Fish 01, Sang đang tiếp tục tự thiết kế, hoàn chỉnh mẫu tàu vỏ thép đánh bắt thứ 2.

Trẻ tuổi nhưng rắn rỏi đầy cương nghị, Sang tự nhủ đến với chủ trương đóng mới tàu thép công suất lớn không theo kiểu “phong trào” mà luôn muốn tạo ra một sự tiên phong, đột phá trong cách nghĩ, cách làm. Chàng thủ lĩnh trẻ quyết định tập trung đầu tư dàn ngư lưới cụ với số tiền ngang ngửa với thân tàu vỏ thép. 

Lãnh đạo Hội Nghề cá TP Đà Nẵng đồng tình với nhận định này, nhấn mạnh: “Câu chuyện tàu vỏ thép không chỉ thay mới vỏ tàu từ vỏ gỗ bằng vỏ thép, không chỉ vấn đề cơ giới hóa ngành nghề khai thác thủy sản mà là cơ hội, thời cuộc để ngư dân bước vào giai đoạn mới nâng cấp trình độ đánh bắt chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Ngư dân phải thực sự là những người chủ ở cả phương diện thủ tục hành chính và công nghệ, kỹ năng đánh bắt. Anh Sang chính là một người đi tiên phong như thế”. 

Tháng  8/2015, anh Lê Văn Sang thành lập Hợp tác xã Nghề cá Hải Nhi trên cơ sở Tổ hợp dịch vụ hậu cần nghề cá Vùng khơi số 1 TP Đà Nẵng. Hiện nay, Hợp tác xã có 12 thành viên và đội tàu 10 chiếc (trong đó, có một tàu vỏ thép). Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất trên biển, Hợp tác xã đầu tư vào nhiều loại dịch vụ trên bờ như sản xuất nước đá, cung cấp ngư cụ... Hiện nay, Hợp tác xã đang đầu tư đóng mới thêm một tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần. 

Giám đốc Hợp tác xã Nghề cá Hải Nhi Lê Văn Sang chia sẻ: Luôn xác định làm việc trên biển cần có sự đoàn kết tập thể nên mình lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp là hợp tác xã. Mô hình này giúp nâng cao khả năng kết nối, tập trung được nguồn lực về vốn, nhân công...  và điều kiện ký kết hợp đồng với các công ty sản xuất, sơ chế. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế gắn với xu thế ngày càng có nhiều tàu vỏ thép ra những vùng khơi xa hơn, mở rộng ngư trường đánh bắt. 

“Biển thì rộng lớn, tàu bè và phương tiện đánh bắt ngày càng hiện đại, mình không thể mãi trong vùng gần bờ”, anh Sang nói.


Phượt thủ mở công ty khởi nghiệp tỷ đô đầu tiên của Nhật

Năm 2012, Shintaro Yamada 35 tuổi, độc thân và bế tắc với công việc. Vì vậy, anh rời khỏi thành phố Tokyo, Nhật và bắt đầu hành trình khám phá thế giới.

Rời khỏi thành phố tiện nghi và thoải mái, Yamada dấn thân vào các chuyến du lịch giá rẻ. Suốt chuyến đi, anh thường ở cùng với người địa phương, sống trong các phòng trọ không có nước nóng với giá 5 USD một đêm và di chuyển bằng cách xin quá giang hoặc bắt xe bus.

Theo Bloomberg, sau 6 tháng, người đàn ông này đặt chân tới 23 quốc gia, ở lại trong nhà của người du mục tại rìa sa mạc Sahara, ngắm nhìn những con rùa ở quần đảo Galapagos (Ecuado) và thăm nơi Đức Phật niết bàn ở Ấn Độ.

Chuyến đi khiến Yamada nhận ra rằng điện thoại di động đã phủ sóng tới những ngôi làng nghèo nhất và mọi người khao khát học hỏi công nghệ để khám phá thế giới rộng lớn.

Điều này khiến anh quyết tâm mở một công ty có thể giúp người dân ở nhiều quốc gia có thể kết nối với nhau và Mercari Inc., một trang web thương mại điện tử - thứ kết nối giữa người mua và người bán, ra đời.

Gần đây, công ty của anh trở thành công ty khởi nghiệp đầu tiên của Nhật đạt giá trị ít nhất 1 tỷ USD.

Phượt thủ mở công ty khởi nghiệp tỷ đô đầu tiên của Nhật
Sau 6 tháng khám phá thế giới, Yamada trở về Nhật Bản và mở công ty khởi nghiệp. Ảnh: Bloomberg

"Chuyến đi khiến tôi mở rộng đầu óc và thôi thúc tôi làm một thứ gì đó hữu ích tại bất kỳ nơi nào trên thế giới", người đàn ông 38 tuổi chia sẻ.

Diện chiếc áo sơ mi màu hồng nhạt và ngồi tại trụ sở công ty ở thủ đô Tokyo, Yamada cho hay: "Tôi bắt đầu nghĩ về một sân chơi cho phép mọi người trao đổi mọi thứ trên điện thoại di động".

Bên cạnh đó, trước khi hợp tác với 2 nhà sáng lập khác để tạo ra Mercari vào năm 2013, Yamada phải học hỏi thêm kiến thức liên quan đến ý tưởng. Ngoài ra, công ty cũng bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư, gồm Mitsui & Co. và Globis Capital Partners, để gây quỹ 74 triệu USD. Hiện tại, Mercari toạ lạc tại khu Roppongi Hill cùng với Google và Goldman Sachs Group.

Chú kỳ lân đơn độc

Theo CB Insight, hiện tại, thế giới có khoảng 155 "chú kỳ lân", cách gọi của các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, 92 ở Mỹ, 25 ở Trung Quốc và 8 tại Ấn Độ. Dù là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng Nhật Bản có rất ít công ty khởi nghiệp và sự thành công của Mercari càng làm nổi bật tình trạng khan hiếm này.

Nguyên nhân là thiếu quỹ đầu tư mạo hiểm và văn hoá sợ rủi ro tại xứ sở hoa anh đào. Những người giỏi và thông minh nhất thường đầu quân cho các tập đoàn lớn và làm việc ở đó cả đời.

Tuy nhiên, Yamada cho rằng vấn đề không quá nghiêm trọng như các nhà quan sát nhận định. Nhiều công ty công nghệ của Nhật trở thành công ty đại chúng trước khi đạt giá trị 1 tỷ USD. Và đất nước này tồn tại các quy định dễ dàng dành cho những doanh nghiệp nhỏ có tốc độ tăng trưởng cao khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Thị trường TSE Mothers chỉ yêu cầu 10 triệu USD tiền vốn hoá và không có điều kiện khắt khe về thu nhập. Trong khi đó, những công ty muốn niêm yết trên thị trường công nghệ cao Nasdaq cần phải có ít nhất 50 triệu USD tiền vốn hoá hoặc 750 USD lợi nhuận.

Dù vậy, người đàn ông này nghĩ Nhật Bản cần nhiều doanh nhân hơn, những người như Steve Jobs và Mark Zuckerberg. "Không nhiều người Nhật cố gắng tự lập công ty vì sợ thất bại. Có thể nếu tôi làm điều này, nhiều người sẽ tin tưởng hơn về khả năng thành công", anh nói.

Đi những con đường không ai chọn

Phượt thủ mở công ty khởi nghiệp tỷ đô đầu tiên của Nhật
Hiện tại, Yamada muốn phát triển kinh doanh tại thị trường Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Trước đây, Yamada học toán tại trường Đại học Waseda, một ngôi trường uy tín - nơi mà các sinh viên sau khi tốt nghiệp thường đến làm việc cho các ngân hàng hàng đầu đất nước hoặc những công ty thuộc nhóm blue-chip trên sàn chứng khoán. Anh tham gia phát triển một trang bán đấu giá cho Rakuten Inc. với tư cách nhân viên tập sinh. Thời gian đó, anh gặp Hiroshi Mikitani, người sáng lập Rakuten, và quan sát người này xây dựng đế chế bán lẻ trị giá 14 tỷ USD.

Thay vì ở lại Rakuten sau khi tốt nghiệp, Yamada thành lập một công ty trò chơi gọi là Unoh Inc. vào năm 2001. Công ty này từng gặt hái một số thành công và bị thâu tóm bởi Zynga Inc. vào năm 2010.

Ngoài ra, anh giúp nội địa hoá các ứng dụng cho một công ty có trụ sở tại San Francisco, kẻ đi đầu trong thể loại trò chơi đơn giản như FarmVille. Công việc này kéo dài khoảng 18 tháng. Sau đó, Yamada muốn làm việc trong một dự án có quy mô toàn cầu. Điều này dẫn anh đến cuộc phiêu lưu kéo dài 6 tháng và thành lập nên Mercari cùng với 2 cựu sinh viên của trường Waseda là Tommy Tomishima và Ryo Ishizuka.

Lợi thế của Mercari là được thiết kế đặc biệt dành cho điện thoại di động, giúp các cá nhân dễ dàng xem hoặc bán sản phẩm của họ. Người ta bán mọi thứ, từ quần áo và đồ điện tử đến vé bóng chày. Trong khi sức mạnh hiện có của trang này vẫn chưa được chứng minh, ứng dụng của họ đã được tải về khoảng 32 triệu lần và tạo ra khoảng 10 tỷ yen trong giao dịch hàng tháng, Yamada chia sẻ.

“Thị trường cho dịch vụ kết nối doanh nghiệp với khách hàng đã khá phát triển nhưng các ứng dụng kết nối giữa người dùng với nhau vẫn còn nhiều khoảng trống. Mercari là công ty dẫn đầu tại Nhật Bản trong lĩnh vực này và nhận về nhiều lợi ích”, Tomoaki Kawasaki, một nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Iwai Cosmo, nói.

Trận chiến lớn

Yamada đang đặt ra một chiến lược nhằm thúc đẩy Mercari phát triển tại Mỹ - sân nhà của những người tiên phong trong ngành công nghiệp này là Amazon và EBay. Dịch vụ của Mercari xuất hiện từ tháng 9/2014 và được tải về 7 triệu lần nhưng những người sử dụng thường không giữ lại nó. Để thúc đẩy, Yamada giảm 10% chi phí giao dịch trên Mercari tại Mỹ và lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư để quảng bá thông qua các trang mạng xã hội như Facebook.

Nhờ vậy, Mercari đã leo lên top 10 bảng xếp hạng những ứng dụng mua sắm được tải về trên các thiết bị của Apple hồi tháng trước, theo dữ liệu từ App Annie. Yamada cho biết, anh không ảo tưởng về những khó khăn trong cuộc chiến sắp tới nhưng giành được vị trí tốt hơn ở Mỹ là điều cần thiết để trở thành một công ty toàn cầu.

“Nếu không phải chúng tôi thì những người khác sẽ chiếm lĩnh thị trường Mỹ và chúng tôi cuối cùng sẽ phải đối mặt với họ tại Nhật. Trong trường hợp này, tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”, anh chia sẻ.  

Cua biển Cà Mau bị giả mạo?

Loại cua này được bán với giá chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba giá cua tại Cà Mau.

Thời gian gần đây, tại nhiều tuyến đường ở TP HCM như: Phan Văn Trị, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)… xuất hiện nhiều nơi bày bán cua biển được quảng cáo là có nguồn gốc từ Cà Mau siêu rẻ chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/con. Người bán trương những băng rôn hết sức bắt mắt, quảng cáo cua Cà Mau gạch son, bao ngon, bao rẻ…

Anh Tuấn, đang bán loại cua siêu rẻ này trên cầu Tham Lương (quận 12, TP HCM), cho biết: “Cua nhỏ, trọng lượng mỗi con khoảng 200 – 300 gram, giá trung bình 20.000 – 30.000 đồng/con. Còn những loại lớn hơn như 500 – 700 gram giá khoảng 70.000 – 90.000 đồng/con tùy theo nhu cầu người mua”.

Cua biển Cà Mau bị giả mạo?

Cua giá rẻ được bán chủ yếu trên vỉa hè, lòng đường

Khi chúng tôi thắc mắc liệu cua này có phải chính gốc Cà Mau hay không, anh Tuấn khẳng định chắc nịch: “Cua biển Cà Mau “chính hãng” đấy. Chỉ có chúng tôi biết mối lấy hàng mới có giá rẻ, không dễ ai có để bán rẻ như vậy đâu. Mùa này cua gạch son ăn rất béo, thịt chắc bao ngon. Nếu các anh muốn ngon hơn thì lấy loại lớn hơn xíu, giá chỉ 160.000 đồng/kg. Đảm bảo không có nơi nào rẻ hơn chỗ tôi”.

Cua biển Cà Mau bị giả mạo?

Người bán tận tình quảng cáo rằng cua ngon nhưng giá rất rẻ

Còn chị Trang Phương, có điểm bán trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), cho biết: “Muốn có được cua giá rẻ như thế này không dễ, chúng tôi phải là khách hàng quen với các vựa ở chợ đầu mối và phải lấy hàng từ 3 giờ sáng. Bởi cua này giá rẻ, lại ngon nên được nhiều khách hàng chọn mua. Trung bình, tôi bán mỗi ngày ít nhất hơn 100 con các loại 30.000 – 50.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí lãi hơn 1 triệu đồng”.

Tuy nhiên, trái ngược với lời quảng cáo bao ngon, siêu rẻ…, nhiều khách hàng đã ăn thử và cho biết loại cua này rất dở, nhiều con bị “ộp”, toàn vỏ, không dùng được.

Anh Hải, ngụ quận Gò Vấp, bức xúc: “Tuần vừa qua sinh nhật của tôi, mấy anh em thấy quảng cáo cua Cà Mau rẻ nên mua gần 500.000 đồng về sốt me và ram muối thì mới tá hỏa bởi cua toàn vỏ không có thịt, chỉ có những con lớn hơn thì dùng tạm. Cũng vì ham rẻ mà mất tiền oan uổng. Không biết có phải những loại cua này có nguồn gốc Trung Quốc hay không, nên chúng tôi không dám dùng nhiều”.

Trao đổi với phóng viên, anh Thanh Tường, vựa hải sản ở huyện Bình Chánh (TP HCM), cho biết không có chuyện cua biển Cà Mau giá siêu rẻ mà bán tràn lan ngoài đường như vậy. Thực chất, đó là những loại cua dạt, được các thương lái thu gom vận chuyển về từ nhiều tỉnh khác nhau ở BĐSCL, nơi bà con nông dân thường nuôi xen trong các đầm tôm, đất trồng lúa nên chất lượng không được thơm ngon.

“Họ dựa vào thương hiệu cua Năm Căn nổi tiếng của tỉnh Cà Mau để câu khách, bà con không nên ham rẻ mà mua nhầm”- anh Thường khuyến cáo.

Ông Danh ở chợ đầu mối Thủ Đức cũng khẳng định cua biển Cà Mau bị giả mạo vì ở thị trường TP HCM, cua biển Cà Mau có giá rất cao, khoảng 500.000 đồng/kg loại 1, gần 300.000 đồng/kg loại 2, do đó không thể có chuyện thương lái mua giá đắt bán giá rẻ được.


Theo Đình Thi/Nguời Lao Động

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Một loạt ông lớn chuẩn bị chi trăm tỷ đồng trả cổ tức

Sau một năm kinh doanh khởi sắc, nhiều doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch chi hàng trăm tỷ đồng trả cổ tức cho các cổ đông.

Đầu tiên là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) thông báo chi trả cổ tức với tỷ lệ cực khủng, lên tới 75%. Trong đó, doanh nghiệp sẽ chi trả tỷ lệ bằng tiền mặt 25% (mỗi cổ phiếu nhận 2.500 đồng) và phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 5 cổ phiếu mới).

Hoa Sen Group có vốn điều lệ trên 1.310 tỷ đồng. Như vậy, Tập đoàn Hoa Sen sẽ chi gần 330 tỷ đồng và phát hành 65,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức lần này. Hiện tại, vợ chồng Chủ tịch Lê Phước Vũ đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp 54 triệu cổ phiếu, dự kiến sẽ thu về khoảng 135 tỷ đồng tiền mặt và có thêm 27 triệu cổ phiếu HSG.

Một loạt ông lớn chuẩn bị chi trăm tỷ đồng trả cổ tức

Sau một năm kinh doanh khởi sắc, nhiều doanh nghiệp tuyên bố trả cổ tức khủng. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp lớn khác có doanh thu “tỷ đô” cũng công bố chi trả cổ tức ở mức cao là Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Năm 2015, tập đoàn này đạt doanh thu lên tới 27.400 tỷ đồng, lãi ròng 3.504 tỷ đồng, tăng 7,8% so với kết quả đạt được năm 2014.

Vì vậy, Hòa Phát đã quyết định tỷ lệ chia cổ tức 30%, trong đó tiền mặt bằng 15% (tương ứng với 1.099 tỷ đồng) và 15% bằng cổ phiếu (cứ 20 cổ phiếu nhận được 3 cổ phiếu mới).

Trong văn bản về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông vào ngày 31/3 sắp tới đây, Chủ tịch Hóa Phát Trần Đình Long cho biết, năm 2016 HPG tiếp tục dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 30%, doanh thu toàn tập đoàn là 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng.

Cũng là doanh nghiệp có doanh thu thuộc câu lạc bộ “tỷ đô”, ngày 14/3 vừa qua, Hội đồng quản trị của Tập đoàn FPT đã quyết định sẽ chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 20% và bằng cổ phiếu 15%.

Với khoảng 397,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Tập đoàn dự kiến chi khoảng 795 tỷ đồng tiền mặt và 59,6 triệu cổ phần để trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2015.

Năm 2016, FPT dự định trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 20%. Tập đoàn cũng đặt kế hoạch doanh thu 45.796 tỷ đồng và lợi nhuận 3.151 tỷ, tăng 10,5% so với năm 2015. Trong đó, lĩnh vực công nghệ, phân phối – bán lẻ vẫn đóng vai trò động lực tăng trưởng chính.

Một doanh nghiệp được biết đến với tỷ lệ chi trả cổ tức thường xuyên ở mức cao là CTCP Vicostone (VCS), cũng đã công bố phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn cổ phiếu quỹ, với giá trị lên tới 950 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dự kiến sẽ sử dụng 10,5 triệu cổ phiếu quỹ hiện có, tương đương với 1/4 số cổ phiếu đang lưu hành (42,3 triệu cổ phiếu) để thưởng cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 100:24,99 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 24,99 cổ phiếu thưởng). Đây là cổ phiếu không hạn chế chuyển nhượng.

Cổ phiếu VCS hiện có giá trên thị trường là 90.000 đồng/cổ phiếu, với 10,5 triệu cổ phiếu quỹ chia thưởng, tổng giá trị sẽ khoảng 950 tỷ đồng. Được biết vào tháng 9/2014, VCS đã tiến hành mua lại đúng lượng cổ phiếu quỹ này với giá bình quân 34.800 đồng/cổ phiếu, tương đương 368,9 tỷ đồng.

Đầu tháng 2/2016 vừa qua, các cổ đông CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) cũng đã được duyệt nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50% (5 nghìn đồng/cổ phiếu), sau khi đã nhận một khoản tương tự hồi tháng 8/2015.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã lên kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ cao, hứa hẹn các cổ đông sẽ nhận được những khoản tiền lớn như: Cảng Đoạn Xá (50%), Cadivi CAV (30%), Công viên nước Đầm Sen (36%)…

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào ăn nên làm ra cũng sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông của mình. Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Masan (MSN). Kể từ khi thành lập đến nay, dù lợi nhuận mỗi năm thu về không nhỏ, nhưng Masan Group chưa một lần chi trả cổ tức cho cổ đông. Nguyên nhân có thể do Masan hoạt động theo mô hình Holdings (công ty mẹ - công ty con), khoản lợi nhuận kiếm được hàng năm chủ yếu để chi vào những thương vụ mua bán sáp nhập hay đầu tư mới.

Mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp cổ phần sắp bắt đầu. Không chỉ cổ đông của các doanh nghiệp lớn mà cổ đông của những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng mong ngóng những khoản đầu tư của mình sẽ kết trái bằng khoản cổ tức “tiền tươi thóc thật”.


Giới chuyên gia không còn lạc quan về giá vàng?

Tuy giới đầu tư vẫn lạc quan về giá vàng tuần tới, song các chuyên gia bắt đầu tỏ ra bi quan, theo kết quả khảo sát Kitco News.

Sau khi nhận được cú hích từ cái mà giới phân tích cho là Fed “chủ hòa”, giá vàng chốt tuần kết thúc vào 18/3 trong vùng tích cực với mức tăng 0,25%.

Giá vàng không thể tái thử thách mức cao nhất 13 tháng khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất sau phiên họp chính sách kết thúc vào 16/3, đồng thời dự kiến giảm số lần nâng lãi suất trong năm xuống 2, thay vì 4 lần như dự kiến hồi tháng 12/2015. Tuy nhiên, giới đầu tư bán lẻ tiếp tục dự đoán giá vàng vẫn tăng trong ngắn hạn.

Giới chuyên gia không còn lạc quan về giá vàng?
 

Trong số 877 người tham gia khảo sát trực tuyến Kitco, 682 người (78%) tỏ ra lạc quan về giá vàng tuần tới; 118 người (13%) cho rằng giá giảm; và 77 người (9%) có ý kiến trung lập hoặc nhận định giá đi ngang.

Trong khi đó, giới chuyên gia thị trường không đưa ra viễn cảnh giá vàng rõ ràng. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, chưa đến 50% số chuyên gia dự đoán giá vàng tăng trong ngắn hạn.

Trong số 34 chuyên gia thị trường được liên lạc, 15 người trả lời. Trong đó, 7 người (47%) dự đoán giá vàng tuần tới tăng; 5 chuyên gia (33%) cho rằng giá giảm; và 3 nhà phân tích (20%) có ý kiến trung lập hoặc nhận định giá đi ngang.

Những nhà phân tích lạc quan cho rằng, giá vàng vẫn tăng khi thị trường tiếp tục nghiền ngẫm ngôn ngữ của Fed. Việc Fed giảm số lần nâng lãi suất trong năm nay đang làm dấy lên câu hỏi liệu các nhà hoạch định chính sách rốt cuộc có nâng lãi suất trong năm nay hay không.

Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management, cho biết, giá vàng đã phản ứng tốt với quan điểm “chủ hòa” của Fed, nhưng rõ ràng thị trường chưa hiểu thấu ngụ ý của Fed. Hơn nữa, thị trường vẫn chưa có manh mối rõ ràng về phản ứng theo từng tuần trước những tin tức kinh tế mới nhất. Khi thời gian trôi đi và Fed tiếp tục trì hoãn cũng như giảm số lần nâng lãi suất, giá vàng sẽ hưởng lợi.

Nhiều nhà phân tích vẫn lạc quan về giá vàng khi USD rơi vào đà giảm trong môi trường chính sách tiền tệ “chủ hòa”.

Tuy vậy, vẫn có nhà phân tích cho rằng giá vàng sẽ suy yếu, nhất là khi giá kim loại quý này không thể tái thử thách ngưỡng 1.287,8 USD/ounce dù USD suy yếu và động thái của Fed làm tăng mối nguy chốt lời trong ngắn hạn.

Ole Hansen, phụ trách chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, nhận định, giá vàng không còn đi trên đường một chiều nữa và có nhiều dấu hiệu cho thấy giới đầu tư sẵn sàng chốt lời.

Colin Cieszynski, chiến lược gia thị trường cao cấp tại CMC Markets, cho biết, giá vàng bắt đầu đi vào thời kỳ giảm theo mùa, có thể kéo giá kim loại quý này giảm xuống 1.225 USD/ounce.

Theo Nhật Trường/Nhịp cầu đầu tư

Hoa mắt với tỏi đen Lý Sơn thật, giả

Cũng quảng cáo tỏi đen Lý Sơn nhưng mỗi nơi lại chào giá khác nhau khiến người tiêu dùng không thể biết đâu là tỏi đen Lý Sơn thật và đâu là tỏi giả hiệu.

Trong khi hầu hết các cơ sở sản xuất và kinh doanh tỏi đen đều khẳng định sản phẩm được làm từ tỏi Lý Sơn “chính hiệu”, chính quyền Lý Sơn khẳng định sản lượng tỏi trên địa bàn không nhiều, đặc biệt là tỏi cô đơn rất ít.

Thị trường: Bao nhiêu cũng có

Chỉ cần một cái click chuột với từ khóa “tỏi đen”, người tiêu dùng sẽ “hoa mắt” với hàng trăm trang mạng quảng cáo chuyên cung cấp tỏi đen cô đơn có xuất xứ ở Lý Sơn, với số lượng bao nhiêu cũng có cùng những lời có cánh về công dụng của sản phẩm này.

Giá bán hiện tại của tỏi đen Lý Sơn bình thường mà các trang mạng này rao là 900.000-1,5 triệu đồng/kg. Riêng tỏi đen làm từ tỏi cô đơn Lý Sơn, các trang này thông báo giá chênh lệch nhau rất nhiều 1,8-3 triệu đồng/kg.

Chẳng hạn, khi liên hệ với trang mạng toidenquang...com, chúng tôi được ông Đ.Q.A. cho biết đơn vị này hiện đóng tại TP Quảng Ngãi, tự sản xuất tỏi đen Lý Sơn bằng máy móc nhập khẩu, nguồn hàng đảm bảo đúng tỏi Lý Sơn.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về giấy tờ hay có gì chứng thực mua đúng tỏi Lý Sơn hay không, ông Q.A. cho biết: “Tụi tui chỉ mua tỏi Lý Sơn từ người dân chứ không có giấy tờ gì”.

Liên hệ với đường dây nóng của trang mạng toidenphuong...com, có trụ sở tại quận 10, TP HCM, chúng tôi được tư vấn viên cho biết đơn vị này “không bán tỏi đen bình thường mà bán tỏi đen cô đơn Lý Sơn, với giá 1,8 triệu đồng/kg”.

Theo nhân viên này, tỏi đen được bán tại đây là “tỏi cao cấp”, sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản.

“Bên em có nguồn hàng đảm bảo, chuyên cung cấp sỉ cho các đại lý. Chỉ bán mặt hàng tỏi đen cao cấp được chế biến từ tỏi cô đơn Lý Sơn đảm bảo đủ các thủ tục giấy tờ pháp lý”, cô nhân viên này nói.

Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị giới thiệu cách phân biệt giữa tỏi đen Lý Sơn thật và tỏi đen Lý Sơn giả, nhân viên này chỉ khẳng định “bên em chỉ bán hàng thật, anh cứ an tâm”.

Ngoài ra, do nhu cầu mua tỏi đen ngày càng nhiều của người tiêu dùng, rất nhiều địa điểm quán ăn, cửa hàng đặc sản cũng bán tỏi đen và cho rằng có xuất xứ từ Lý Sơn.

Chỉ tính riêng ở Quảng Ngãi đã có khoảng 15 quán ăn, cửa hàng bán tỏi đen. Và khi chúng tôi hỏi mua, nhân viên các cơ sở này cũng khẳng định “ở đây chỉ bán tỏi đen chính gốc Lý Sơn”, kèm theo việc giới thiệu nhiều công dụng của loại tỏi này.

Và cũng như các trang chuyên cung cấp tỏi đen, những cơ sở này đều không có bất cứ tờ giấy “lận lưng” nào để chứng thực tỏi được lấy từ Lý Sơn.

Nguồn cung cấp: Sản lượng không nhiều

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch huyện Lý Sơn, cho biết tỏi Lý Sơn chỉ được sản xuất mỗi năm một vụ nên không có chuyện tỏi Lý Sơn quá nhiều ngoài thị trường như hiện nay.

Hơn nữa, sản lượng tỏi ở Lý Sơn vụ thu hoạch vừa qua giảm đến 70% so với vụ thu hoạch trước đó do mất mùa. Theo thống kê sơ bộ, tổng sản lượng tỏi thương phẩm mùa này chỉ hơn 500 tấn, trong đó tỏi cô đơn chỉ khoảng 5 tấn.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn, cho biết hiệp hội cũng rất đau đầu trước thông tin quảng cáo tỏi đen Lý Sơn tràn lan trên thị trường.

Theo ông Định, các thành viên hiệp hội hiện cũng có sản xuất tỏi đen và bán ra thị trường với giá 1,5 triệu đồng/kg với tỏi đen thường và 3 triệu đồng/kg đối với tỏi đen cô đơn nhưng số lượng không nhiều.

Cụ thể, ngoài Công ty Hải đảo Lý Sơn với thương hiệu Vua tỏi, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu, các đơn vị trực tiếp mua hành tỏi từ hiệp hội như siêu thị và các cá nhân có giấy xác nhận của chính quyền huyện đảo để chế biến và cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước.

Như vậy, phần lớn tỏi trắng và tỏi đen trôi nổi ngoài thị trường không thể chắc chắn đó là tỏi từ Lý Sơn. 

Cũng theo ông Định, ngay cả tỏi trắng cũng khó phân biệt giữa tỏi Lý Sơn với nhiều loại tỏi khác, khoan nói đến tỏi đen.

“Chúng tôi cũng chưa có cách nào để giúp người tiêu dùng phân biệt rõ ràng, tránh việc bỏ số tiền lớn mà mua phải hàng kém chất lượng. Nhưng theo tôi, tốt nhất là đến các siêu thị hoặc những điểm bán tỏi đen Lý Sơn đã được chính quyền chứng nhận mua trực tiếp hành tỏi”, ông Định khuyến cáo.

Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về tỏi đen khẳng định tỏi Lý Sơn có hàm lượng các hợp chất vượt trội và tác dụng chữa bệnh sau khi lên men, nên nhiều cơ sở sản xuất và cả kinh doanh đều quảng cáo tỏi đen Lý Sơn để thu hút người mua.

Theo vị này, trên thị trường hiện có các loại tỏi đen là tỏi đen cô đơn Lý Sơn, tỏi đen nguyên của Lý Sơn, tỏi đen cô đơn màu tím khá to tròn và tỏi đen nguyên củ to có xuất xứ từ Trung Quốc. Dựa vào các đặc điểm này, người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm.

Vị này cho rằng, bản thân chính quyền và người trồng tỏi Lý Sơn phải hành động để bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, thay vì phó mặc cho thị trường.

“Muốn khẳng định thương hiệu của tỏi đen Lý Sơn trước tình trạng tỏi đen tràn lan như hiện nay, chính quyền và người trồng tỏi Lý Sơn phải có chiến lược quảng bá thương hiệu tỏi một cách bài bản, giúp người tiêu dùng nhận diện được đâu là tỏi Lý Sơn và đâu là tỏi giả danh Lý Sơn, chứ không thể để người tiêu dùng tự tìm hiểu như hiện nay”, vị này nói.

Tỏi Lý Sơn chủ yếu cung cấp cho siêu thị và du khách

Theo thống kê của Phòng kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, trên địa bàn hiện có 325 ha diện tích trồng tỏi với năng suất vụ tỏi 2015 là 7,9 tấn/ha, sản lượng tỏi toàn huyện đảo khoảng 2.560 tấn tỏi tươi.

Để có 1 kg tỏi khô cần đến 1,4 kg tỏi tươi, như vậy sản lượng tỏi khô của đảo Lý Sơn chỉ có trên 1.800 tấn (trong điều kiện được mùa).

Mặt khác, 1 ha tỏi chỉ cho 20-30 kg tỏi một tép (còn gọi là tỏi cô đơn, tỏi mồ côi), tính tổng diện tích toàn đảo, mỗi năm nếu được mùa Lý Sơn làm ra khoảng 10 tấn tỏi cô đơn.

Ngoài Hiệp hội Hành tỏi Lý Sơn và hệ thống siêu thị Co.op Mart mua hàng trực tiếp của người dân để cung ứng ra thị trường, số còn lại được nông dân bán cho thương lái hoặc du khách.

Với khoảng 70.000 du khách đến Lý Sơn mỗi năm, nếu mỗi du khách mua 1 - 2 kg, chỉ riêng nguồn khách này cũng tiêu thụ một lượng lớn tỏi Lý Sơn.

Xăng tăng bao nhiêu tùy vào mức độ xả quỹ bình ổn

Nhiều doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ xăng dầu nhận định, trong đợt điều chỉnh tới, xăng tăng giá bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào việc xả quỹ bình ổn còn dư ở mức nào.

Theo kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, tính từ thời điểm điều chỉnh giá gần đây nhất (4/3), sau 15 ngày tiếp theo (19/3) cơ quan điều hành sẽ thực hiện công bố giá cơ sở mới, để doanh nghiệp đầu mối thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP.

Xăng tăng bao nhiêu tùy vào mức độ xả quỹ bình ổn

Giá xăng tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào mức độ xả quỹ.Ảnh: Lê Hiếu

Trước diễn biến này, theo tính toán của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong phiên điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu tuần sau, Liên Bộ Tài chính – Công Thương có thể sẽ điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu trong nước theo đà tăng của giá thế giới. Theo đó, nếu giữ nguyên mức thuế nhập khẩu xăng, dầu với giá cơ sở như hiện nay và không xả Quỹ bình ổn, giá các mặt hàng này có thể tăng 900 – 1.200 đồng/lít.

Ông Bùi Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc CTCP Nhiên liệu Sài Gòn nhận định: “Xu hướng giá thế giới đang nhích nhẹ trong những ngày qua. Với mỗi lít xăng, chưa tính mức trích quỹ bình ổn giá, các doanh nghiệp kinh doanh đang 'tạm lỗ' gần 1.000 đồng. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ ra sao còn phụ thuộc cả vào việc sử dụng nguồn từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước. Nếu quyết định xả quỹ toàn bộ thì sẽ không tăng, nhưng theo tôi khả năng tăng thêm một chút cũng phù hợp với giá thế giới”.

Hiện mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng khoáng (RON 92, RON 95) là 370 đồng/lít. Xăng sinh học (E5) được trích quỹ là 363 đồng/lít. Mức trích từ quỹ này cho dầu diesel là 983 đồng/lít (tăng thêm 444 đồng/lít), chi cho dầu hỏa 995 đồng/lít (tăng thêm 406 đồng/lít), chi cho mặt hàng dầu madut là 69 đồng/kg (tăng thêm 34 đồng/kg).

Lần điều chỉnh giá hôm 4/3 vừa qua, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định giữ nguyên giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, chỉ thay đổi mức trích Quỹ bình ổn, dù theo các doanh nghiệp đầu mối, họ bị lỗ từ 200 – 750 đồng/lít, kg. Với việc tăng giá của dầu thế giới cộng với chu kỳ trước chưa tăng, rất có khả năng trong lần điều chỉnh giá này, xăng dầu sẽ tăng mạnh.

Ông Vũ chia sẻ: “Mức tăng bao nhiêu đến giờ chúng tôi vẫn chưa biết chính xác, vì còn tùy vào công thức tính giá cơ sở trong kỳ điều chỉnh này như thế nào. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ ra sao còn phụ thuộc cả vào việc sử dụng nguồn từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước. Nếu công thức tính giá xăng trong kỳ điều chỉnh này không thay đổi, giá có thể được điều chỉnh tăng với biên độ khá lớn. Mức chênh giá cơ sở và giá bán lẻ hiện khoảng 1.000 đồng, nhưng có thể các cơ quan quản lý sẽ xả thêm quỹ bình ổn, và lựa chọn tăng giá trong khoảng 500-700 đồng/lít”.

Theo thông báo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2015, Quỹ bình ổn xăng dầu trong nước còn dư gần 4.000 tỷ đồng. Dù trong lần điều chỉnh ngày 4/3, liên bộ đã cho xả quỹ với xăng, và trước đó là với dầu từ 18/2, song với việc đồng thời đều đặn trích 300 đồng mỗi lít/kg từ đầu năm, ước tính số dư của quỹ đến giữa tháng này vẫn không giảm, còn khoảng 4.300 tỷ đồng.

Theo thống kê mới nhất của trang giá dầu toàn cầu (Global Petrol Prices), qua nhiều lần điều chỉnh giá giảm gần đây, giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn trung bình thế giới khoảng 18%. Mức giá xăng Việt Nam trung bình tại thời điểm 14/3/2016 là 0,66 USD/lít (cao hơn so với mức 0,65 USD/lít hồi 29/2/2016). Trong khi đó, giá xăng dầu trung bình của thế giới hiện nay là 0,9 USD/lít (giữ giá so với hôm 29/2/2016).

Giá xăng tại Việt Nam hiện thấp hơn Thái Lan 0,88 USD/thùng, Trung Quốc là 0,91 USD/lít, Philippines 0,79 USD/lít, Lào 1,16 USD/lít, Campuchia 0,78 USD/lít… Theo Global Petrol Prices, thống kê giá xăng tại 200 quốc gia trên thế giới, hiện giá xăng thấp nhất là tại Kuwait, với chỉ 0,22 USD/lít, tương đương khoảng 4.900 đồng/lít. Hong Kong là nơi chịu giá xăng cao nhất, với 1,81 USD/lít, tương đương 40.400 đồng/lít.


Tái khởi động cuộc đua bán lẻ điện máy

Thị trường bán lẻ điện máy đang bùng nổ trở lại, nhưng những doanh nghiệp yếu kém sẽ sớm rời cuộc chơi hoặc bị thâu tóm bởi các tập đoàn lớn.

Báo cáo tài chính năm 2015 do Điện máy Xanh (thuộc Thế Giới Di Động) vừa công bố cho rằng, hãng này đang xếp thứ 2 thị trường điện máy với khoảng 8% thị phần, doanh thu khoảng 4.400 tỷ đồng. Nguyễn Kim tiếp tục dẫn đầu với thị phần 12%, còn đứng thứ 3 là Điện máy Chợ Lớn với 7,5% thị phần.

Qua số liệu trên, nhiều người lo ngại Nguyễn Kim đang sa sút và bị những đại gia lấn át bởi hơn 1 năm sau khi bán 49% cho Central Group (Thái Lan). Nguyễn Kim vẫn “án binh bất động” dù trước đó, hãng này tuyên bố sẽ nâng chuỗi siêu thị của mình lên con số 50 vào năm 2020.

Tái khởi động cuộc đua mở chuỗi

Tái khởi động cuộc đua bán lẻ điện máy

Thị trường bán lẻ điện máy đang có sự cạnh tranh quyết liệt khi các “ông lớn” đồng loạt mở rộng hệ thống, gia tăng thị phần.

Nguyễn Kim không bàn luận gì về những con số Điện máy Xanh đưa ra, vì năm tài chính của Nguyễn Kim kết thúc vào tháng 3/2016 nên phải đến đầu tháng 4 mới có số liệu chính thức. Tuy nhiên, theo đại diện nhà bán lẻ này, doanh thu của hãng năm  2015 vẫn tăng trưởng trên 20%. Hãng bán lẻ này cũng cho biết, sở dĩ không mở thêm siêu thị mới trong năm 2015 là do đang tập trung tái cơ cấu, bước sang năm 2016 này sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới mới.

Theo các doanh nghiệp (DN) bán lẻ điện máy, sau thời gian dài ảm đạm, từ cuối năm 2015, thị trường này đã có nhiều tín hiệu tốt. Tăng trưởng của các hệ thống điện máy lớn đều đạt từ 15% đến trên 20%. Tết Nguyên đán vừa rồi, sức mua thị trường rất tốt, càng củng cố quyết tâm tái khởi động cuộc đua mở rộng hệ thống nhằm giành giật thị phần.

Cụ thể, hệ thống Đệ Nhất Phan Khang đã khởi động 3 dự án, đến cuối năm nay sẽ nâng tổng số trung tâm điện máy Phan Khang lên con số 16 và làm mới một số shop có sẵn ở tỉnh. Đang sở hữu 6 trung tâm điện máy và 1 trung tâm mua sắm trực tuyến, Thiên Hòa dự kiến sẽ mở thêm 9 trung tâm trong năm 2016, nâng tổng số lên 15 ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Bành trướng mạnh nhất phải kể đến Điện máy Xanh với 91 siêu thị trên toàn quốc và sẽ mở thêm khoảng 70 siêu thị trong năm 2016. Ngay cả Điện máy Trần Anh ở khu vực phía Bắc cũng dự định “Nam tiến” trong năm 2016, dự kiến sẽ mở 30-40 siêu thị ở TP HCM. Không chỉ dồn lực mở rộng độ phủ, các DN còn tập trung vào chiến lược cốt lõi để gìn giữ thương hiệu, phát triển thị phần.

Dịch vụ kém là mất khách

Theo các DN bán lẻ điện máy, hiện nay, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt đã kéo lợi nhuận ngành giảm còn 7%-10%. Các nhà bán lẻ chịu áp lực doanh số từ nhà sản xuất, nếu không đạt doanh số sẽ mất ưu đãi chiết khấu. Khi cần, DN có thể bán huề vốn hoặc chấp nhận lãi rất thấp. Chạy đua giảm giá trở thành chuyện hằng ngày và không bao giờ kết thúc. Cái đích cuối cùng của kinh doanh là lợi nhuận, DN phải cân đối chi phí, quản trị tốt mới sống được. Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống Thiên Hòa, cho rằng DN lãi hay lỗ liên quan đến bài toán chi phí chứ không phải do khuyến mãi.

“Nhà sản xuất không cho phép nhà bán lẻ bán phá giá nên các chương trình khuyến mãi luôn được đo đếm rất kỹ. Những chính sách giảm giá sâu, những đợt xả hàng của các siêu thị điện máy chủ yếu thực hiện trên các mặt hàng bỏ mẫu (qua model). Bản thân hãng sản xuất giảm giá sâu, nhà phân phối tiếp tục cắt giảm lợi nhuận từ chiết khấu để 'đạp' giá nhằm giải quyết hết hàng tồn. Trường hợp thứ hai là lô hàng độc quyền, cắt lô số lượng lớn, đã bán được 70%-80% nên giảm giá tối đa để thu hồi vốn” - ông Hậu lý giải.

Cũng theo nhà bán lẻ này, cạnh tranh trong giai đoạn mới, giá cả là dựa theo giá chuẩn của nhà sản xuất. DN này có thể có thêm chương trình rút thăm trúng thưởng... nhưng quan trọng nhất là hơn thua nhau ở chất lượng dịch vụ. Thời gian qua, các DN tập trung rất nhiều vào việc nâng cao chất lượng phục vụ và các dịch vụ hậu mãi. Hệ thống trung tâm chăm sóc khách hàng call center, dịch vụ giao hàng, lắp đặt, chăm sóc khách hàng sau khi lắp đặt, sửa chữa, chính sách mua hàng trả góp, đổi trả hàng hóa... và cả thuận tiện hóa việc thanh toán của khách hàng được các DN đầu tư đẩy mạnh.

Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Trung tâm Điện máy Phan Khang, cho rằng 2-3 năm gần đây, tầng lớp trung lưu của Việt Nam gia tăng, nhu cầu về dịch vụ cũng tăng lên. Nhóm khách hàng này luôn yêu cầu được phục vụ chu đáo, giao hàng đúng hẹn, bảo hành nhanh, nhân viên giao hàng tương tác tốt, nhiệt tình...; còn người tiêu dùng bình dân thì chỉ yêu cầu giá tốt. Vì vậy, nếu phục vụ không tốt hoặc nhân viên tổng đài tiếp điện thoại không nhiệt tình, nhã nhặn là có thể mất khách.

Ngoài ra, kênh bán hàng online với mức tăng trưởng 50%-70% trong 2 năm trở lại đây cũng đang được các DN đầu tư mạnh. Kênh online đang có nhiều lợi thế phát triển, vừa phục vụ thói quen mua sắm qua mạng đang hình thành trong một bộ phận cư dân thành thị, vừa tiết kiệm được chi phí nhân viên, mặt bằng, quản lý...

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống Thiên Hòa:

Miếng bánh thị trường còn rất lớn

Kênh bán lẻ hiện đại ngành điện máy mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường TP HCM, miếng bánh thị trường còn rất lớn để các DN khai thác. Mặc dù vậy, các DN vẫn “đánh” về ngoại thành, vùng ven và các tỉnh nhằm định hướng tiêu dùng, kéo khách hàng làm quen với mô hình mua sắm hiện đại, chuyên nghiệp và quy mô lớn. Cạnh tranh càng gay gắt, người tiêu dùng càng được hưởng lợi nhiều hơn.

Sắp tới, TPP có hiệu lực, hàng hóa từ các nước TPP vào Việt Nam được giảm thuế, giá bán sẽ ít nhiều giảm theo. Kế đến, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các chuỗi hệ thống bán lẻ điện máy. Mua bán sáp nhập là xu hướng tất yếu. Bản thân Thiên Hòa cũng nhận được một số đề nghị từ đối tác nước ngoài nhưng chưa nghĩ đến việc hợp tác. Các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản trị tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN Việt Nam. Ngay cả việc cạnh tranh với các DN nước ngoài cũng phần nào giúp DN Việt Nam trưởng thành hơn. DN trong nước mặc dù gặp khó khăn về tài chính so với tập đoàn nước ngoài nhưng rất tự tin vì hiểu người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc marketing hệ thống Nguyễn Kim:

Bổ sung cơ cấu hàng

Sau hơn 1 năm tái cấu trúc, ổn định kinh doanh và thăm dò thị trường, năm 2016, Central Group sẽ đưa vào hệ thống phân phối Nguyễn Kim một số mặt hàng, trong đó có nhóm sản phẩm phục vụ gia đình và văn phòng. Góp mặt của những nhóm hàng mới sẽ gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng, khả năng cạnh tranh cho Nguyễn Kim. Kênh online sẽ được tận dụng triệt để để kinh doanh những nhóm hàng mới này.

Song song đó, Nguyễn Kim sẽ sắp xếp lại các siêu thị hiện hữu, dành diện tích cho nhóm hàng mới. Giải pháp xây dựng trung tâm lớn, kinh doanh phức hợp cũng được tính tới. Tuy nhiên, tỷ lệ nhóm hàng mới chiếm bao nhiêu phần trăm, thời điểm nào sẽ triển khai cụ thể thì còn tùy thuộc vào quyết định của ông chủ Thái Lan.

Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Đệ Nhất Phan Khang:

Xu hướng sáp nhập sẽ gia tăng

Trong lĩnh vực điện máy, hàng Thái Lan đã có mặt tại Việt Nam từ lâu. Ngoài ra, hiện 60%-70% sản phẩm điện máy trên thị trường là của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam nên trong tương lai gần, bức tranh thị trường điện máy vẫn ổn định. Sẽ không có sự xuất hiện của các DN mới mà chủ yếu là xu hướng mua bán sáp nhập, một số DN sẽ phất lên, một số DN không trụ được sẽ rời cuộc chơi.

Từ năm 2015, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi. Người tiêu dùng không còn chuộng sản phẩm giá cao, thương hiệu lớn mà chọn mua sản phẩm chất lượng, giá phải chăng để tiết kiệm chi phí. Đệ Nhất Phan Khang cũng điều chỉnh cơ cấu hàng để phù hợp với nhu cầu khách. Chúng tôi cũng đang tiên phong mở thêm mảng kinh doanh hệ thống chiếu sáng, bao gồm cả chiếu sáng công cộng, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh.  

 Đông Nghi ghi

Những cái 'chết yểu' của siêu thị điện máy

Theo đánh giá của một số chuyên gia, chưa bao giờ thị trường bán lẻ điện máy lại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Người Hà Nội thích tiết kiệm, người Sài Gòn muốn đầu tư

Với cùng một câu hỏi về cách kiếm tiền, người TP HCM cho biết họ sẽ tìm mọi cơ hội, chấp nhận rủi ro để đầu tư, sinh lời. Riêng người Hà Nội dùng 80% tiền kiếm được để tiết kiệm.

Nghiên cứu mới nhất về tầng lớp trung lưu khu vực Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Đời sống và con người (Hill ASEAN) cho biết, cùng một mong ước thực hiện cuộc sống hạnh phúc, nhưng người TP HCM có phương pháp tiếp cận ngược với người Hà Nội. Phần lớn những người trung lưu tại TP HCM khi được hỏi đều cho biết, họ muốn tối ưu hóa cơ hội đầu tư. Người TP HCM luôn tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy bản thân, chấp nhận rủi ro để đầu tư nên hầu hết đều có công việc tay trái.

Người TP HCM làm việc không chỉ vì thu nhập mà còn vì những gì mình mong muốn. Trong khi đó, người Hà Nội đa phần hài lòng với công việc hiện tại, ít có việc tay trái và không chấp nhận mạo hiểm đầu tư. 80% số tiền kiếm được họ sẽ tiết kiệm cho tương lai.

Khi được hỏi về giá trị cốt lõi của cuộc sống, cả người TP HCM và Hà Nội đều khẳng định là hạnh phúc, song cách để đạt được hạnh phúc của họ lại trái ngược nhau. Người TP HCM nghĩ về hạnh phúc một cách lãng mạn, trong khi người Hà Nội rất thực tế.

“Khi chúng tôi phỏng vấn về ý nghĩa hạnh phúc, người TP HCM thường vẽ ra trong đầu họ hình ảnh trước. Họ nghĩ đến hình ảnh gia đình vui vẻ ngồi quanh một bữa ăn. Trong khi đó, người Hà Nội lại cho biết họ cần thu nhập tốt. Họ nghĩ đến công việc, đến mức thu nhập, có nhà cửa ổn định rồi mới nghĩ đến một gia đình hạnh phúc”, ông Yusuke –Miyabe, nghiên cứu viên của Hill ASEAN cho biết.

Người dân TP HCM sống với thực tại. Họ muốn đạt được cuộc sống mong ước, hạnh phúc theo định nghĩa của riêng họ và ưu tiên hiện thực hơn tương lai không nhìn thấy được. Trái lại, người Hà Nội sống cho tương lai, họ cần thời gian dài để có hạnh phúc, và hạnh phúc được nhìn nhận theo chuẩn mực xã hội.

“Đơn vị tiêu dùng nhỏ nhất với người dân TP HCM là 'Tôi'. Người TP HCM có xu hướng tự quyết định mọi việc, họ tự xác định tầng lớp và lối sống mơ ước của bản thân. Trái lại, đơn vị tiêu dùng nhỏ nhất với người dân Hà Nội là 'Chúng tôi'. Các tiêu chuẩn xã hội có ảnh hưởng rất lớn tại Hà Nội”, đại diện Hill ASEAN cho biết thêm.

Khác biệt nữa là một bên nghiêng về tình cảm, một bên nghiêng về chức năng. Khi mua một món hàng, bà nội trợ TP HCM cho biết mua chỉ vì chồng, con mình thích, trong khi bà nội trợ Hà Nội khẳng định mua vì giá trị dinh dưỡng cao, giá rẻ.

Theo Hill ASEAN, dựa vào khác biệt rõ nét này, các DN sẽ có chiến lược quảng cáo riêng phù hợp với khách hàng từng khu vực. Khi giới thiệu sản phẩm với người TP HCM cần lựa chọn hình ảnh, cảm xúc ấn tượng trước mới đến chức năng, trong khi Hà Nội thì ngược lại. Ví dụ để quảng cáo một thanh chocolate, với khách hàng TP HCM, nhà sản xuất nên đưa thông điệp: Chocolate giúp diệt cơn đói trong 1 phút. Nhưng với người Hà Nội thì thông điệp phải là sản phẩm giúp giảm cân nhanh, sau đó mới tới chống đói.

Người Sài Gòn mua gì, người Hà Nội thích gì?

Nếu bạn kinh doanh xin đừng quên yếu tố văn hóa vùng miền. Bài viết này không có ý cổ vũ những định kiến vùng miền, nhưng các dữ liệu từ thực tế là cần thiết cho người kinh doanh.

Xung quanh vụ lao động Việt tại Nhật Bản kêu cứu

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã trực tiếp đến nhà máy Seinan, để kiểm tra tình hình thực tế của lao động Việt Nam. Tám lao động Việt cho biết họ hài lòng về chế độ.

Trước đó, đã có thông tin trên mạng gây xôn xao dư luận, xuất phát từ đơn đề nghị giúp đỡ mà lao động Nguyễn Quang Hưng gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ngày 15/3 cho rằng 43 lao động Việt Nam tại nhà máy Seinan tỉnh Iwate bị công ty Nhật Bản chèn ép. 

Tại đây, đại diện sứ quán Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi và kiểm tra các điều kiện sinh hoạt, làm việc hiện tại của các lao động Việt Nam tại Seinan. Trước hết, con số 43 lao động Việt Nam đang làm việc tại Seinan đang lan truyền trên mạng là không chính xác. 

Hiện tại, nếu không tính lao động Nguyễn Quang Hưng, tổng số lao động Việt Nam tại nhà máy này là tám người. Trong đơn đề nghị giúp đỡ của lao động Nguyễn Quang Hưng cũng nói rõ 43 người là số người cùng ăn trưa trong đó bao gồm cả người Việt Nam và Nhật Bản. 

Xung quanh vụ lao động Việt tại Nhật Bản kêu cứu

Các lao động Việt Nam tại nhà máy Seinan.

Về lịch trình sinh hoạt và làm việc, tám lao động Việt Nam còn lại cho biết buổi sáng các em dậy sớm tập thể dục chạy bộ rèn luyện sức khỏe, làm từ 8h00-17h00, nghỉ trưa một tiếng từ 12h15-13h15, buổi chiều nghỉ giải lao 15 phút từ 3h15-3h30, sau đó làm thêm hai tiếng đến 19h00. Sau khi kết thúc công việc các em nghỉ ăn tối và tham gia học tiếng Nhật trong ký túc xá do người Nhật dậy tình nguyện. 

Về chế độ nghỉ lễ, các lao động Việt Nam khẳng định họ được nghỉ chủ nhật và ngày lễ của Nhật.

Đề cập đến vấn đề thu nhập, các lao động Việt Nam cho biết tổng thu nhập hàng tháng là hơn 200.000 yên (khoảng 40 triệu tiền Việt), sau khi trừ chi phí tiền nhà, gas, điện, nước, bảo hiểm... Các lao động còn giữ lại khoảng 100.000-120.000 yên (20 – 24 triệu tiền Việt) trong tài khoản.

Tám lao động Việt Nam tại Seinan cho biết các em hài lòng với điều kiện làm việc, công việc, sinh hoạt hiện tại. Về trang thiết bị trong lao động, theo quy định của Công ty cả người Nhật và lao động Việt Nam đều phải tự trang bị đồ bảo hộ lao động gồm: mũ bảo hộ, ủng, khẩu trang. Theo các lao động cho biết chi phí mua các vật dụng bảo hộ này cũng không quá cao nên các anh em đều tự mua và chấp nhận việc này.

Đề cập đến nơi ở, theo các lao động Việt Nam, Công ty Seinan bố trí cho các anh em ở tại ký túc trong khuôn viên nhà máy. Khu nhà đã xây khoảng 40 năm trước.

Xung quanh vụ lao động Việt tại Nhật Bản kêu cứu

Khu vệ sinh của các lao động Việt.

Các lao động ở trên tầng hai của ngôi nhà với phòng ở rộng khoảng 25m2, trong đó có một tủ lạnh, một lò sưởi ấm. Có bốn giường đôi cho tám người ở. Bên cạnh đó có một phòng khoảng 50 m2 là nơi sinh hoạt chung dùng cho việc học tiếng Nhật, ăn uống…

Công ty cho phép các anh em sử dụng phòng 50 m2 này để ở tuy nhiên các lao động Việt Nam muốn ở tập trung vào một chỗ cho tiện sinh hoạt. Dưới tầng một toà nhà có một phòng tắm tập thể, trong đó có một máy giặt và máy đun nước nóng được công ty cấp miễn phí. 

Cạnh phòng tắm có nhà vệ sinh đã cũ và xuống cấp. Công ty đã lưu ý nhắc nhở các lao động không sử dụng nhà vệ sinh này, thay vào đó sử dụng nhà vệ sinh mới trong xưởng làm việc, cách ký túc khoảng 100 m. Tuy nhiên, để tiện cho việc vệ sinh cá nhân nên đôi khi các lao động vẫn tự ý sử dụng nhà vệ sinh cũ.

Liên quan đến việc khấu trừ tiền nhà, theo phản ánh của tám lao động Việt Nam, trước khi sang Nhật Bản, các anh em đã được nghe giải thích là sẽ phải tự chịu tiền nhà và phí sinh hoạt gas, điện, nước... nhưng không rõ mức cụ thể là bao nhiêu. 

Trong khi đó đại diện công ty giải thích, theo quy định của Tổng công ty Freesia, tất cả lao động Việt Nam gồm 33 người (bao gồm cả các lao động ở tỉnh Akita và Tokyo) được công ty bảo lãnh sang Nhật ngày 17/9/2015, đều bị áp dụng mức trừ tiền nhà hàng tháng là 39.000 yên (khoảng 8 triệu đồng tiền Việt) và tiền gas, điện nước là 8.000 yên (khoảg 1,6 triệu tiền Việt). 

Trong 39.000 yên tiền nhà, công ty chỉ thu 25.000 yên/người/tháng (5 triệu tiền Việt), còn lại 14.000 yen, công ty giữ giúp các lao động trong thời gian một năm, để sau một năm các lao động muốn tự thuê nhà sẽ dùng số tiền tiết kiệm đó làm tiền đặt cọc thuê nhà. 

Theo thông lệ trong việc thuê nhà ở Nhật Bản, người thuê thường phải đặt cọc hai tháng tiền thuê nhà và một tháng tiền lễ, một tháng tiền môi giới cho chủ nhà và công ty môi giới thuê nhà, ngoài ra đối với người nước ngoài còn phải có một người Nhật hoặc pháp nhân Nhật Bản đứng ra làm người bảo lãnh.

Đối với khẩu phần ăn uống, các lao động Việt Nam cho biết, mỗi ngày các em đóng 500 yên (khoảng 100.000 tiền Việt) tiền ăn, công ty cung cấp bữa ăn trưa và tối. Cả hai bữa đều nấu ở công ty (vì công ty ngay cạnh khu nhà ở ký túc xá). 

Theo phản ánh của công ty và lao động Việt Nam, bữa trưa của các anh em thay đổi theo thực đơn hằng ngày, người Nhật đi chợ mua đồ ăn, sau đó một lao động Việt Nam và một người Nhật cùng chuẩn bị bữa ăn hằng ngày. Các em có thể ăn thịt, cá, trứng và các thực phẩm khác theo nhu cầu, chứ không bị cấm đoán gì. 

Số tiền 500 yên hằng ngày được dùng để mua thức ăn, số dư còn lại được sử dụng để các anh em liên hoan trong những dịp tụ tập đông. Công ty không can thiệp vào khoản tiền này. Theo các lao động, khẩu phần ăn bữa trưa hàng ngày đảm bảo và phù hợp với các anh em. Tuy nhiên, các lao động Việt Nam cũng thừa nhận ban đầu chưa quen ăn gạo lức nên thấy không hợp khẩu vị. Hiện tại, các anh em đã quen với thực đơn này và thấy bình thường.

Các lao động Việt Nam cho biết công ty thỉnh thoảng tổ chức cho đi Tokyo để họp toàn công ty gồm cả người Nhật và Việt, chi phí đi lại tàu Shinkansen do công ty trả. Trong lúc người Nhật họp các anh em tham dự hoặc có thể học tiếng Nhật. Ngoài các vấn đề nói trên, công ty cũng tổ chức cho các lao động tham gia vào các lễ hội, thăm quan trong dịp nghỉ lễ tại địa phương.

Khi đề cập đến lao động Nguyễn Quang Hưng, người đã gửi đơn đề nghị giúp đỡ đến sứ quán, tám lao động Việt Nam cho biết anh Hưng sống cùng nhưng không hoà nhập với tập thể và các lao động khác. Đại diện công ty cho biết sau khi đến nhà máy, do thời tiết lạnh nên anh Hưng đã đề nghị công ty cho chuyển sang nhà máy khác. 

Trong công việc anh Hưng cũng không có sự chủ động, tự giác mà phải nghe sự nhắc nhở của người Nhật làm cùng thì mới làm việc. Thêm nữa cũng không chịu khó học tập tiếng Nhật để làm tốt công việc được giao. Từ ngày 1/3, công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động Nguyễn Quang Hưng và cho về nước. 

Đến ngày 14/3, công ty đã có quyết định chính thức, nên anh Hưng đã rời khỏi nhà máy Seinan đi đến ở trung tâm của Tổng công ty Freesia ở Tokyo để tiếp tục giải quyết.

Sau khi xem xét thực tế tình hình vào trao đổi với người lao động, đại diện Đại sứ quán đã trao đổi với Công ty Seinan và Tổng công ty Freesia House cho rằng việc trừ tiền thuê nhà theo mức chung với toàn bộ số lao động nói trên là không phù hợp mà phải theo điều kiện thực tế ngôi nhà và địa phương. 

Đại diện Đại sứ quán đề nghị công ty xem xét để đưa ra mức tiền nhà phù hợp hơn cũng như cải thiện các điều kiện nhà ở cho người lao động. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục làm việc với công ty về các vấn đề trên để đảm bảo quyền lợi phù hợp cho người lao động.

Thu nhập bình quân người lao động tăng 441.000 đồng mỗi năm

Theo bản tin thị trường lao động, so với quý III/2015, thu nhập bình quân tháng trong qúy IV/2015 tăng ở hầu hết các nhóm nghề, cao nhất tăng 441.000 đồng một năm.