Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Xăng tăng giá từ 16h30

Mức tăng áp dụng đối với xăng là 670 đồng mỗi lít, thấp hơn nhiều so với dự đoán khi không xả quỹ bình ổn.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh, giá xăng từ 16h30 sẽ tăng thêm 670 đồng mỗi lít. Giá một số nhiên liệu khác cũng tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng thêm 290 đồng. Dầu hỏa, mazut giữ nguyên. 

Mức trích quỹ bình ổn cũng tăng mạnh, để giảm áp lực lên mức tăng. Cụ thể, xăng RON 92 được trích quỹ 1.047 đồng, xăng E5 1.115 đồng/lít, dầu diesel 983 đồng. 

Lịch điều chỉnh giá xăng lẽ ra áp dụng từ 19/3, tuy nhiên, vì các cơ quan chờ phương án tính giá cơ sở mới, nên lịch lùi lại.

Trước đó, thông tin từ một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối ở TP HCM cũng xác nhận, các đầu mối đã nhận được thông báo từ cơ quan điều hành về lịch điều chỉnh giá. Theo đó, dù đã đến kỳ, nhưng trong ngày hôm nay (19/3), nhiên liệu này chưa có giá mới. Phải đến đầu tuần tới (từ ngày 21/3), thông tin chi tiết mới được công bố.

Các dự đoán về biên độ điều chỉnh trong tuần trước đều xoay quanh mốc từ 1.000 đồng đến 1.700 đồng, tuy vào việc liên Bộ sẽ sử dụng quỹ bình ổn bao nhiêu. Dù phiên điều chỉnh trước đó, liên Bộ đã lựa chọn xả quỹ để bù toàn bộ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá thế giới, nhưng do chênh lệch lần này khá lớn, nên các doanh nghiệp đều cho rằng giá trong nước điều chỉnh tăng sẽ phù hợp hơn với xu thế thế giới.

Theo thống kê mới nhất của trang giá dầu toàn cầu (Global Petrol Prices), qua nhiều lần điều chỉnh giá giảm gần đây, giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn trung bình thế giới khoảng 18%. Mức giá xăng Việt Nam trung bình tại thời điểm 14/3/2016 là 0,66 USD/lít (cao hơn so với mức 0,65 USD/lít hồi 29/2/2016). Trong khi đó, giá xăng dầu trung bình của thế giới hiện nay là 0,9 USD/lít (giữ giá so với hôm 29/2/2016).

Kể từ ngày 19/10/2015, giá xăng dầu đã có tới 10 lần liên tiếp không tăng. Mức giảm cao nhất trong vòng 5 tháng qua là 961 đồng vào ngày 18/2, và thiết lập vùng đáy trong vòng 7 năm. Trong những lần điều chỉnh trước đo, giá xăng giảm trung bình từ 136 đồng tới 771 đồng.

Chứng khoán châu Á giảm sau 3 tuần tăng liên tiếp

Hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á giảm vào hôm 21/3 do giá dầu xuống khiến những nhà đầu tư thận trọng.

Tuy nhiều chỉ số trên bảng điện tử tại các sàn châu Á chuyển sắc đỏ nhưng mức độ tổn thất khá ít do các nhà đầu tư hy vọng rằng Trung Quốc có thể sớm cắt lãi suất một lần nữa, nhằm giảm áp lực cho đồng nhân dân tệ, Reuters đưa tin.

Những biến động của thị trường dầu thô, sự giảm giá hàng hoá và Trung Quốc chững bước tăng trưởng ảnh hưởng đến thị trường tài chính trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần trước khiến giới quan sát tăng thêm lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Chứng khoán châu Á giảm sau 3 tuần tăng liên tiếp
Bảng điện tử bên ngoài một sàn chứng khoán ở thành phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, MSCI châu Á Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,1%. Chỉ số S&P/ ASX200 của Australia giảm 0,3% và Kospi tại Seoul giảm 0,1%. Nhật Bản đang trong thời gian nghỉ lễ.

Cùng với châu Á, cổ phiếu châu Âu cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,33% về mức 6.169,05 điểm. DAX của Đức giảm 0,45%, về mức 9.905,78 điểm và Swiss Market Index của Thuỵ Sĩ giảm 0,03% về mức 7.811,67 điểm.

“Các thị trường mới nổi đang nghiêng về xu thế suy yếu tiềm ẩn”, Frances Cheung, chuyên gia kinh tế tại Societe Generale ở Hong Kong, nói.

Cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong tăng nhưng các thị trường chứng khoán khác trong khu vực chịu tổn thất.

Giá dầu giảm trong phiên thứ 2, tiếp tục theo xu hướng giảm từ hôm 18/3, sau khi các giàn khoan ở Mỹ tăng sản lượng lần đầu tiên kể từ tháng 12.

Giá dầu WTI CLc1 giảm hơn 1%, xuống còn 38,85 USD một thùng sau khi đạt mức 41 USD một thùng trong thời gian ngắn, cao nhất kể từ cuối tháng 12.

Dầu thô LCOc1 giảm xuống 40,89 USD một thùng sau khi chạm mốc 42,54 USD một thùng.

Nợ xấu còn 2,55%, đã giảm 20 tổ chức tín dụng

Thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, tính đến cuối năm 2015, 20 tổ chức tín dụng đã giảm. Nợ xấu hệ thống cũng được đưa về 2,55%.

Tính đến cuối năm 2015, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng giảm còn 2,55%, đã giảm 20 tổ chức tín dụng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép. Thị trường tài chính có bước phát triển; mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 33%, thị trường trái phiếu đạt 23% GDP.

Đây là một trong những nội dung Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày sáng nay.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế. Phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Nợ xấu còn 2,55%, đã giảm 20 tổ chức tín dụng
Báo cáo của Chính phủ cho biết nợ xấu đã được đưa về 2,55%, tính đến cuối 2015. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Tính đến 31/12/2015, VAMC đã mua được 107.000 tỷ đồng, giá trị trái phiếu 99.180 nghìn tỷ, vượt chỉ tiêu đề ra. Lũy kế từ năm 2013 đến hết năm 2015, tổng nợ xấu VAMC đã mua là 245.000 tỷ đồng dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 207 nghìn tỷ góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.

Báo cáo cũng cho biết, giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Kết quả, 558 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó cổ phần hóa 478, đạt 93% kế hoạch. Doanh nghiệp nhà nước tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, quốc phòng, an ninh, cung ứng hàng hoá và dịch vụ công thiết yếu.

Quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống pháp luật về DNNN được hoàn thiện, xác định rõ quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và công khai, minh bạch hoạt động. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.

Tổng tài sản của DNNN (theo báo cáo của công ty mẹ) năm 2015 tăng khoảng 36% so với năm 2010, vốn chủ sở hữu tăng 62%, doanh thu tăng 18%, lợi nhuận trước thuế tăng 56%; theo báo cáo hợp nhất tổng tài sản tăng 26%, vốn chủ sở hữu tăng 57%, doanh thu tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 16%.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, hạn chế như “thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đồng bộ. Tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước nhiều mặt còn hạn chế. Đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí ở một số dự án còn lớn; nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao.

Chất lượng tín dụng cải thiện còn chậm, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, chưa thực chất. Năng lực tài chính, quản trị của một số tổ chức tín dụng còn yếu. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ vốn được cổ phần hoá còn thấp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tài sản và nguồn lực được giao”.


Lãi USD trong nước 0%, sao ngân hàng vẫn phải vay nước ngoài

“Tại sao trong bối cảnh lãi suất USD huy động trong nước là 0%, một ngân hàng Việt Nam lại phải đi vay ngoại tệ từ nước ngoài?”, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy nêu câu hỏi.

Ông Thúy xem đây “là cả một vấn đề”.

Hội thảo trên diễn ra ngay sau thông tin Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa ký xong khoản vay 200 triệu USD với 18 ngân hàng nước ngoài.

Lãi USD trong nước 0%, sao ngân hàng vẫn phải vay nước ngoài

Với thị trường trong nước, để một lúc huy động được lượng lớn ngoại tệ, đặc biệt là trung dài hạn, doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn, rất khó thành công

Một sự chối bỏ?

Tại đây, ông Thúy nhấn mạnh thêm: “Chúng ta vay 200 triệu USD, lãi suất là bao nhiêu? Tại sao phải đi vay khi lãi suất huy động ở Việt Nam là 0%, tức lãi vay trong dân là 0. Nhà kinh doanh không bao giờ đi vay mà bỏ chỗ lãi suất rẻ để đi tìm nơi có lãi suất cao, nhưng họ lại phải đi vay tới 200 triệu USD. Đây là cả một vấn đề”.

Từ thực tế trên, liệu có phải nguồn vốn ngoại tệ trong nước phải chăng đang bị “vô cảm” trước gánh nặng mà doanh nghiệp và ngân hàng thương mại phải đi ra nước ngoài vay vốn?

Đáng chú ý, năm nay, dự kiến Chính phủ cũng sẽ lên kế hoạch để có thể đi vay quốc tế khoảng 3 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu.

Hiện lãi vay cụ thể khoản 200 triệu USD nói trên của VietinBank không được tiết lộ. Trước đây ngân hàng này cũng từng đi vay như vậy với lãi suất lên tới 8%/năm. Những đợt huy động bằng trái phiếu quốc tế của Chính phủ trước đây cũng phải chịu lãi suất trong khoảng 5-8%/năm…

Trong khi đó, như vấn đề nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đặt ra ở trên, lãi suất huy động USD trong nước thì 0%/năm, theo trần quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Câu hỏi chung đặt ra: phải chăng cơ chế trần và mức lãi suất tiền gửi USD 0%/năm hiện nay là một sự chối bỏ đối với nguồn lực vốn ngoại tệ trong nước, hay cơ chế lãi suất đó đã không huy động được nguồn lực này, khiến doanh nghiệp, ngân hàng và Chính phủ phải đi vay nước ngoài với chi phí cao?

Nội địa khó đáp ứng

Trả lời câu hỏi trên, VnEconomy đã tìm hiểu cụ thể về khoản vay của VietinBank.

Lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hiện tại VietinBank không thiếu hụt ngoại tệ. Khoản vay trên gắn với nhu cầu và tính toán riêng của họ.

Hỏi trực tiếp lãnh đạo VietinBank, Tổng giám đốc Lê Đức Thọ cho hay, khoản vay 200 triệu USD vừa qua nhằm mục đích cân đối nhu cầu vốn, đã được tính toán và đàm phán với các đối tác để có lãi suất hợp lý.

“Đây là khoản vay dài hạn, điều mà để huy động trong nước gần như là rất khó”, ông Thọ giải thích.

Tham vấn thêm ý kiến chuyên gia, nhận định tương tự cũng được nhấn mạnh, như lý giải cho sự “vô cảm” của nguồn vốn ngoại tệ trong nước, không chỉ hiện nay mà suốt chiều dài vận động của cơ chế chính sách và lãi suất trong nhiều năm trước đây.

“Vấn đề ở đây đơn giản thôi. Với thị trường trong nước, để một lúc huy động được lượng lớn ngoại tệ, đặc biệt là trung dài hạn, doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn, rất khó thành công”, một chuyên gia trả lời VnEconomy.

Ông dẫn thực tế, nhiều năm trước, lãi suất huy động USD từng lên tới 6,5-7%/năm, nhưng nguồn vốn gửi các kỳ hạn dài có tỷ trọng rất thấp. Phần lớn nguồn tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư chỉ ở các kỳ hạn ngắn, độ lỏng lớn.

Năm 2015, thị trường ghi nhận sự kiện lần đầu tiên Chính phủ huy động được 1 tỷ USD từ đầu mối Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tuy nhiên, nỗ lực nội địa này là hữu hạn, chịu ràng buộc nhạy cảm với ổn định của thị trường và tỷ giá trên cơ sở cân đối cung - cầu ngoại tệ…

Kích thích chuyển đổi

Tình huống khác đặt ra, giả dụ VietinBank hay Chính phủ chào lãi suất huy động cao vẫn có thể huy động được vốn ngoại tệ nội địa, trong dân cư và doanh nghiệp, với yêu cầu trung dài hạn. Dù vậy, lãi suất huy động cao đối với USD lại đi ngược với mong muốn chính sách hiện nay.

Trước hết, nếu áp lãi suất huy động USD cao trở lại, có thể tiên lượng sự ổn định tỷ giá hiện nay và mục tiêu dài hơn dễ bị phá vỡ, tâm lý găm giữ ngoại tệ càng cô đặc, thị trường và thanh khoản ngoại tệ dễ rơi vào ngột ngạt và bất thường.

Vậy, nếu cứ áp cơ chế trần lãi suất tiền gửi USD với 0% hiện nay có phải là một sự chối bỏ một nguồn lực?

Theo chuyên gia VnEconomy tham vấn, trả lời câu hỏi trên cần đặt trong tổng thể các mục tiêu, các giải pháp đồng bộ khác của chính sách.

Trực tiếp nhất, trần lãi suất 0%/năm nhằm đánh vào lợi ích nắm giữ ngoại tệ, kích thích chuyển đổi, theo định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đang làm: chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ giao dịch mua bán.

Khi tạo được sự dịch chuyển, người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang VND, nguồn lực ngoại tệ đó được chuyển hóa chứ không phải là một sự chối bỏ. Vấn đề là, có sự chuyển đổi đó hay không, có mở rộng được hay không?

Câu trả lời tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Ví như, đảm bảo được lợi ích nắm giữ VND vượt trội hơn (như lãi suất VND được 7-8%/năm, mức tăng tỷ giá chỉ 3-4%/năm) sẽ kích thích người dân và doanh nghiệp chuyển đổi USD thành VND, và điều này cần lộ trình và thời gian.

Như ở một chính sách khác có một số điểm tương đồng, Ngân hàng Nhà nước đã từng phải mất 3-4 năm quyết liệt mới thấy được biểu hiện người dân “chán vàng” thời gian gần đây, một phần cũng do hạn chế cơ hội đầu cơ chờ giá vàng lên xuống như những năm trước đây.

Quan trọng hơn, ở tầm vĩ mô phải có chính sách khuyến khích xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối để tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế. Đảm bảo vĩ mô ổn định cũng sẽ giảm bớt tâm lý phòng thủ găm giữ của dân cư và doanh nghiệp ở ngoại tệ.

Và như những năm gần đây, một khi đã chọn mục tiêu ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cần có cam kết mạnh mẽ trong điều hành, nhằm đảm bảo niềm tin và lợi ích nắm giữ VND, qua đó kích thích mở rộng hơn hướng chuyển đổi nguồn vốn ngoại tệ trong nền kinh tế.


Doanh nghiệp Việt đang làm gì với TPP?

Đa phần chuyện đi trước đón sóng mới chỉ có ở các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI, phần lớn công ty nhỏ và vừa vẫn loay hoay, thậm chí không quan tâm đến thị trường này.

Chia sẻ với các doanh nghiệp (DN) câu chuyện tìm cơ hội khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng, chưa bao giờ vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế được nâng tầm như thời điểm này.

Kết thúc đàm phán, nhiều DN đã nắm bắt được nội dung, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. Đây cũng là xung lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đang có một thế hệ nhà đầu tư lớn hơn, hiện đại hơn, mang những chuỗi sản xuất hiện đại hơn sang Việt Nam.

Doanh nghiệp lớn chạy đua

Bà Trần Anh Đào, Phó giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSe) thông tin, nếu trong suốt 15 năm qua, HoSe chỉ có 2.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, thì riêng trong năm 2015 đã có đến 400 tài khoản mới được nhà đầu tư nước ngoài mở tại đây. Con số tăng mạnh nhất tại thời điểm TPP chuẩn bị ký kết. Đến năm 2016, quy mô vốn hóa trên HoSe đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Các công ty lớn đều có mặt trên sàn chứng khoán này, và đây là cơ hội lớn để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc điều hành Thai Oil Group cũng chia sẻ, DN Thái Lan đánh giá rất cao Việt Nam trở thành thành viên TPP. Đây cũng là một trong những điểm lý giải vì sao DN Thái liên tục đổ bộ Việt Nam thời gian gần đây.

“Cách đây 2 năm, Thái Lan rất có cảm hứng với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Tuy nhiên, từ 2015, khi Việt Nam là thành viên của TPP, DN Thái lại thay đổi. Họ khẳng định TPP là cơ hội lớn của họ nếu kết hợp với những thuận lợi có được thêmtừ AEC.

Doanh nghiệp Việt đang làm gì với TPP?
Nếu các DN lớn xây dựng chiến lược kinh doanh mới ngay khi TPP được ký kết thì DN nhỏ và vừa vẫn chưa hiểu mình sẽ phải làm ăn như thế nào khi gia nhập sân chơi chiếm 40% kinh tế toàn cầu. Ảnh: K. Toàn

Là DN dược lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán, từ 2 năm nay, Dược Hậu Giang đã chuẩn lực để không “hụt chân” khi gia nhập thị trường với nhiều quốc gia vốn có thế mạnh về ngành này.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang khẳng định, trước yêu cầu hội nhập, việc khẳng định lại chất lượng sản phẩm, chất lược phục vụ được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu chính của trong 5 năm tới của DN là chất lượng. Chất lượng của sản phẩm, chất lượng của dịch vụ đối với khách hàng, dịch vụ đối với người tiêu dùng, chất lượng của từng con người trong công việc, chất lượng của nội bộ với nhau, chất lượng của sự minh bạch đối với nhà đầu tư.

“Dùng 2 từ chất lượng cho tất cả các lĩnh vực mới phù hợp trong hoàn cảnh này. Bởi đã đến lúc người ta nhìn một DN là nhìn ở chất lượng, chứ không phải là những thứ bề nổi. Hồi xưa chính tôi cứ nói mình phải liều, phải cố gắng hết sức. Nhưng nếu cố gắng làm việc, tạo ra sản phẩm tốt mà chất lượng cuộc sống của người lao động không thay đổi thì cũng không phải DN tốt. Đã qua thời người lao động cần ăn no, mặc ấm, giờ phải ăn ngon mặc đẹp”, bà Nga nói.

Cũng theo CEO Dược Hậu Giang, khi gia nhập TPP, bà nghĩ ngay đến chiến lược phải đứng trên vai người khổng lồ. Ngoài việc mang hàng của mình ra cạnh tranh, với những sản phẩm chưa đủ khả năng sản xuất DN sẽ chủ động làm nhà phân phối. Khi đó, DN có cơ hội mang sản phẩm đi kèm vào những vùng tiêu thụ mà người tiêu dùng khó tính sử dụng.

Công ty nhỏ không biết

Tuy nhiên, đa phần chuyện đi trước đón sóng mới chỉ có ở các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI, phần lớn công ty nhỏ và vừa vẫn loay hoay, thậm chí không quan tâm đến thị trường này.

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội nhựa chia sẻ, ngành nhựa hiện có 3.000 doanh nghiệp. Phần lớn DN trong ngành quan tâm nhiều đến AEC chứ không phải TPP. Thống kê của ông Việt Anh, nếu 10 thành viên ngồi lại với nhau thì đến 6 DN không biết, không quan tâm đến TPP; 4 người còn lại biết nhưng rất lơ mơ, không hiểu đúng.

Ông Johan Nyvene, Giám đốc điều hành khối tài chính doanh nghiệp Công ty chứng khoán HSC, cũng cho rằng mình không "vơ đũa cả nắm", nhưng qua quá trình làm việc, tiếp xúc, chia sẻ với DN, ông nhận thấy một bộ phận lớn DN Việt không muốn đầu tư cho những gì dài hạn, không thấy giá trị trước mắt. Họ chỉ muốn cái gì ngắn hạn, thu lợi ngay. DN Việt Nam không muốn sử dụng dịch vụ tư vấn. Họ chỉ muốn vay vốn ngân hàng với lãi suất rẻ nhất có thể rồi mua đi bán lại kiếm lời, thậm chí họ tìm cách quỵt nợ ngân hàng. Đây là điều khiến hiện nay ngân hàng rất khắt khe khi cho vay với DN nhỏ.

Theo ông Trần Quốc Khánh, hội nhập đã không còn mới, VN đã có hành trang 20 năm hội nhập. Nhưng với TPP, điều quan trọng nhất, Việt Nam là nước duy nhất kết nối được với các thị trường lớn trên thế giới bằng quan hệ thương mại tự do, giúp củng cố vị thế của nước ta trên thị trường quốc tế, và là cơ hội của DN Việt Nam.

Chính điều này mà không còn cách nào khác, DN phải vững tâm thế bước vào hội nhập, bước vào thị trường với tâm thế vững chãi, chấp nhận cạnh tranh. Nhưng DN lưu ý đừng cạnh tranh về giá. Việc giảm giá chạy đua, cắt vào lợi nhuận của mình là không bền. Hãy cạnh tranh khác, bằng chất lượng, chữ tín, xây dựng cách quản trị hiện đại, marketing hiệu quả, bỏ kiểu quản trị gia đình. DN cũng nên đi ra ngoài nhiều hơn để thấy thị trường vận động, để học hỏi.

"Với TPP, tôi rất lo thuốc Việt Nam phải cạnh tranh với thuốc các nước tiên tiến. DN ngoại ngoài thương hiệu, họ có bề dày kinh nghiệm, tài chính lớn mạnh và có cả lòng tin của người Việt Nam. Song họ cũng có điều bất lợi mà DN trong nước có thể vượt qua, đó là văn hóa của người Việt Nam. Không ai hiểu tập quán tiêu dùng của người Việt Nam bằng chính DN nội.

Với những sản phẩm mình làm được, Mỹ làm được thì mình cố gắng làm khác đi, để không bị so sánh. Và cái quan trọng là hệ thống bán hàng. Hội nhập thì hệ thống bán hàng quan trọng nhất, mình nên nghĩ đến những vùng tiêu thụ xa xôi đang cần sản phẩm", bà Phạm Thị Việt Nga.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Khách chuộng sim 08x, đầu số cũ bị ‘thất sủng’ ở Sài Gòn

Nhiều cửa hàng sim số tại TP HCM cho biết, các đầu sim 08x trả trước luôn hút hàng trong khi đó các đầu số cũ 016,012,093,094… có giá chỉ 20.000 đồng/sim vẫn ít người mua.

Nhiều cửa hàng, đại lý sim số tại TP HCM, đang ôm hàng chục nghìn sim các đầu số cũ lo sợ vì khách hàng chỉ tìm mua sim đầu số mới 08x. Sau khi các nhà mạng thông báo phát hành lần lượt các đầu số 088,089,086, nhiều khách hàng tại TP HCM đã săn tìm bằng được chiếc sim mới để dùng.

Anh Nguyễn Phú Tài, một nhân viên tiếp thị bất động sản, quận 7, cho biết, hay tin các nhà mạng phát hành đầu số mới, anh này đã tìm đến hơn 7 đại lý sim số, và bỏ ra hơn 15 triệu đồng để mua cho mình số 08888.xxx88. Anh Tài cho răng đầu tư chiếc sim này "đáng đồng tiền", bởi lẽ đây là đầu số lạ, kích thích sự tò mò, khách hàng của anh sẽ thích thú.

Khách chuộng sim 08x, đầu số cũ bị ‘thất sủng’ ở Sài Gòn
Khách hàng tranh thủ mua sim trả trước đầu số 088, tại một điểm bán trên đường Hùng Vương, quận 5. Ảnh: Zen Nguyễn

Nhưng ông Nguyễn Văn Hiếu, kinh doanh sim số hơn 10 năm trên đường 3 Tháng 2,quận 10 cho rằng, thực tế đầu số không hề thiếu. Riêng kho sim rác của ông có đến hơn 10.000 đầu số của các nhà mạng. Mỗi nhà mạng phát hành 3-4 dòng sản phẩm, từ nghe gọi, 3G… với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Hơn nữa, không thiếu gì sim “siêu”khuyến mại chỉ có giá 20.000đồng.

“Việc phát hành đầu số mới 08x, gây lãng phí cho kho sim số. Số đông khách hàng lại chạy theo trào lưu số mới, ít quan tâm đến những đầu số cũ. Thực tế, thị trường sim số cũng đến lúc bão hoà, việc phát hành thêm đầu số mới 08x, cũng là chiêu ‘bình cũ rượu mới’. Nhưng lại làm thiệt hại cho những đại lý đang trữ một lượng lớn đầu số cũ vì ít người mua”, ông Hiếu nói.

Tranh thủ sức nóng của sim 088, anh Ngô Quang Quyền, chủ một cửa hàng bán đồ trang sức trên đường Cao Thắng, quận 3, đã mua 500 sim mới, với giá hơn 70 triệu đồng về làm quà tặng cho khách hàng. Theo anh Quyền, anh lấy nguyên lô sim không chọn số, nhưng chỉ lọc được khoảng 30 số đẹp, để dành tặng cho khách hàng VIP.

“Đầu số mới này đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng, nhiều người săn tìm để sớm sở hữu số, nên cửa hàng đã tranh thủ mua số lượng lớn sim để làm chương trình khuyến mại. Khách mua hàng với hóa đơn trên 2 triệu đồng đều được tặng sim. Khách nào mua nhiều sẽ được tặng sim số đẹp hơn”, anh Quyền chia sẻ.

Trong khi đó nhiều đại lý lại phản ánh lượng sim đầu số mới không đủ bán cho khách hàng. Anh Phan Hữu Duy Ân, quận 5, cho biết, dù giá sim mới khá cao 148.000-200.000 đồng nhưng vẫn không đủ sim để bán. Các tổng đại lý đều thông báo số lượng sim nhập về chỉ giới hạn vài nghìn, nhưng không nhập qua đường chính thống trực tiếp từ nhà mạng mà phải thông qua đơn vị thứ 3, dẫn đến số lượng sim phân phối cho các đại lý con bị thiếu hụt.

Cũng theo anh này, nhà mạng tại TP HCM đã thiết lập các điểm bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Theo anh Bùi Nguyễn Gia Khang, giám đốc một công ty dịch vụ trên đường Hùng Vương, quận 5, hiện nay tại điểm bán sim của công ty mỗi ngày bán hơn 5.000 sim đầu số 088, trong khi những đầu số cũ khách ít quan tâm, mỗi ngày chỉ bán được vài sim.

Hai đầu số 089 và 086, dù chưa chính thức phát hành nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, dự kiến 2 đầu số này sẽ được bán ra thị trường vào đầu tháng 4, với mức giá chỉ 138.000 đồng cho sim 089, và 60.000 đồng cho sim 086.

Khách chen mua sim 088, cửa hàng ở Sài Gòn phải đóng cửa

Trưa 13/3, hàng trăm khách hàng vây lấy một công ty trên đường Hùng Vương, quận 5 , để mua sim đầu số 088. Chỉ sau 1 giờ mở cửa, công ty này đã bán hơn 1.000 sim trả trước.


IMF: Nền kinh tế VN sẽ bị tổn thương nếu không cải cách

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định Việt Nam dễ tổn thương trước những cú sốc đến từ bên ngoài nếu không củng cố hệ thống ngân hàng và chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Trong một cuộc phỏng vấn tại TP.HCM hôm 18/3, Christine Lagarde, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, Việt Nam không đứng ở vị trí có thể chịu được những ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của những quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.

“Việt Nam có thể rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc đến từ bên ngoài. Nó ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và điều này không tốt cho người dân”, Lagarde nói.

IMF: Nền kinh tế VN sẽ bị tổn thương nếu không cải cách
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón bà 

Lagarde hôm 18/3. Ảnh: Getty

Việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo Bloomberg, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là 6,6%. Trong khi đó, Chính phủ đề xuất nâng cao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 của đất nước từ 6,7% đến 7%.

Người đứng đầu IMF cho biết, tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm xuống còn 13,5% từ mức 60% vào năm 1993. Nền kinh tế sẽ bền vững nếu mục tiêu tăng trưởng cao hơn 6%. Hiện tại, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.

Tiềm năng đáng chú ý

"Việt Nam đã làm rất tốt khi có thể duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong một môi trường thách thức. Phần còn lại của thế giới đang không tăng trưởng với khả năng và tốc độ mà chúng tôi mong muốn. Các bạn đã làm rất tốt trong việc xoá đói giảm nghèo và không tăng tỷ lệ bất bình đẳng, tình trạng thường đi kèm với tăng trưởng”, Lagarde nhận xét.

Tuy nhiên, người phụ nữ này cho hay, từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm hơn so với 2 thập kỷ trước. Điều này không phù hợp với tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người, tình trạng mà các nền kinh tế thành công nhất trong khu vực từng trải qua ở giai đoạn tương tự.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải tăng linh hoạt trong tỷ giá hối đoái nhằm giảm tác động của những cú sốc kinh tế đến từ những nơi khác, đồng thời xây dựng dự trữ bên ngoài. Cải cách doanh nghiệp nhà nước và giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng sẽ bù đắp cho sự lão hoá dân số, tình trạng có thể cản trở tăng trưởng trong tương lai.

Quản trị doanh nghiệp

“Chúng tôi tin rằng hệ thống ngân hàng cần phải được cải thiện, tăng cường vốn và giảm nợ xấu trong bảng cân đối để họ có thể thực sự là động lực thúc đẩy nền kinh tế”, Lagarde nói. Ngân hàng cần quản trị tốt hơn và tái tập trung vào công việc kinh doanh cốt lõi.

Ngoài ra, Việt Nam cũng gặp vấn đề với nợ công với khoảng 60% tổng sản phẩn quốc nội và lão hoá dân số.

“Khi tình trạng nợ cao kết hợp với việc giảm nhẹ trong độ tuổi lao động, các bạn cần phải cẩn thận với sự ổn định trong nền kinh tế vĩ mô. Bạn cần phải cân đối chi tiêu một cách hợp lý”, bà nhận định.